Nga: NATO ngày càng can thiệp sâu vào hợp tác kinh tế ở Bắc Cực

Bắc Cực là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên khi có những mỏ kim loại quý và chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ USD.
Nga: NATO ngày càng can thiệp sâu vào hợp tác kinh tế ở Bắc Cực ảnh 1(Ảnh minh họa. Duy Trinh/TTXVN)

Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, đồng thời là quan chức cấp cao thuộc Hội đồng Bắc Cực, ông Nikolay Korchunov vừa cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tăng cường can dự vào hợp tác kinh tế của các quốc gia khác ở Bắc Cực.

Ông Korchunov nhấn mạnh: "Tất nhiên, chúng tôi không thể không lo ngại về luận điệu khiêu khích (của phương Tây) và sự tham gia ngày càng nhiều của NATO, với việc liên minh quân sự ngày càng can thiệp sâu vào kinh tế và hợp tác hòa bình của các nước khác vì sự phát triển bền vững của khu vực."

Nhà ngoại giao Nga chỉ ra rằng các đối tác phương Tây đang sử dụng các từ "răn đe," "đẩy lui" và "đối đầu" trong bình luận của họ về khu vực gần đây. Ông nói: "Chắc chắn, điều này không truyền cảm hứng cho nhiều sự lạc quan, vì theo truyền thống, chúng tôi coi Bắc Cực là một khu vực hòa bình, ít căng thẳng quân sự và chính trị, và hợp tác mang tính xây dựng."

[Tổ chức NATO khẳng định ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập]

Bắc Cực là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên khi có những mỏ kim loại quý và chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ USD. Có hai tuyến đường biển xuyên đại dương chạy qua khu vực này là Phương Bắc (NSR) và Hành lang Tây-Bắc (NWP) kết nối thông thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Với tốc độ băng tan hiện nay, đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên các tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn.

Tám nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Tuy nhiên, chỉ có 6 nước trong số này hưởng quy chế duyên hải Bắc Cực, gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này nhưng không có duyên hải Bắc cực là Thụy Điển và Phần Lan.

Những năm gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc cực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đặc biệt quan tâm vùng đất có ý nghĩa chiến lược này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục