Nga rút khỏi Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc Phần Lan không sẵn sàng chuyển giao quyền Chủ tịch Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực (BEAC) cho Nga vào tháng 10/2023 buộc nước này phải rút khỏi BEAC.
Nga rút khỏi Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp ở Moskva, ngày 15/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã quyết định rút khỏi Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực (BEAC).

Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ các hoạt động của hội đồng về cơ bản đã bị đình trệ kể từ tháng 3/2022.

Việc Phần Lan chưa tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền Chủ tịch luân phiên BEAC cho Nga vào tháng 10/2023, vi phạm các nguyên tắc chuyển giao và làm gián đoạn các hoạt động chuẩn bị cần thiết. Trong điều kiện đó, Nga buộc phải tuyên bố rút khỏi BEAC.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gửi thông báo về quyết định trên tới ngoại trưởng của các nước thành viên, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, cũng như Ban Thư ký quốc tế Barents ở Kirkenes (Na Uy) vào ngày 18/9/2023.

[Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu]

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia ở vùng cực Bắc, sẵn sàng tương tác với tất cả các bên có tinh thần xây dựng, đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi.

BEAC được thành lập năm 1993, gồm EU, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Nga, với mục tiêu thúc đẩy ổn định và phát triển bền vững ở khu vực biển Barents.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong 30 năm qua, BEAC giúp duy trì hòa bình và ổn định ở vùng cực Bắc, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, tăng cường văn hóa, mối quan hệ nhân đạo và giao lưu nhân dân, trong đó có đại diện của các dân tộc bản địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục