Nga và Đông Âu đối phó với dịch sốt heo châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch sốt heo châu Phi lan rộng, chính phủ Nga đã phải thành lập Văn phòng điều phối hoạt động chống dịch.
Ngày 30/7, trước tình hình bệnh dịch sốt heo châu Phi (ASF) lan rộng, chính phủ Liên bang Nga đã phải thành lập Văn phòng điều phối hoạt động chống dịch.

Văn phòng sẽ bao gồm đại diện các cơ quan hành pháp liên bang, cơ quan hành pháp các chủ thể của Liên bang Nga, các tổ chức khoa học và các hội ngành. Văn phòng sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng Tám, có nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn việc xâm nhập và lan truyền virus gây bệnh sốt heo châu Phi trên lãnh thổ đất nước.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Nga, tính đến hết tháng 7, trên cả nước đã ghi nhận 65 ổ bệnh sốt heo châu Phi. Đây là loại bệnh gia súc rất nguy hiểm, gây tử vong cao, có khi lên tới 100% trên lợn bệnh, hiện còn chưa có vắcxin hoặc thuốc điều trị. Bệnh lây nhiễm qua virus, nguồn lây lan chủ yếu là từ lợn rừng, chúng di chuyển tự do và đem theo mầm bệnh vào các trang trại chăn nuôi lợn.

Bộ Tài nguyên môi trường Liên bang Nga đã khuyến cáo các địa phương nỗ lực giảm số lượng lợn rừng. Hiện một số cơ quan kiểm soát nông nghiệp khu vực đề xuất áp dụng biện pháp bắn hạ, kể cả đối với số lợn nuôi nhiễm bệnh tại các khu trang trại.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Belarus, nước láng giềng với Nga, đã áp đặt lệnh cấm các hộ cá thể nuôi lợn trong bán kính 5 km cách các khu trang trại lợn sau khi phát hiện hai ổ dịch bùng phát trong tháng Sáu-Bảy. Ngay từ ngày 26/7, Belarus đã cùng với Nga và Ukraine họp các cơ quan quản lý nông nghiệp, vệ sinh dịch tễ, nhằm đề ra các quy định pháp quy thống nhất chung, cho phép có phản ứng kịp thời trước những biến động tình huống dịch bệnh trên toàn lãnh thổ Liên minh Hải quan.

Trong lúc này, người đứng đầu Cơ quan thú y-thực phẩm Latvia cho biết, các nước cộng hòa vùng Baltik, gồm Latvia, Litva và Estonia, cùng Ba Lan sẽ chi 10 triệu euro để xây dựng hàng rào ngăn cách tại khu vực biên giới với Liên bang Nga và Belarus. Hàng rào dài hàng chục km này sẽ ngăn chặn sự di chuyển tự do của lợn rừng nhiễm bệnh qua Ba Lan, từ đó có nguy cơ rất nhanh chóng phát tán bệnh ra khắp châu Âu. Trong trường hợp cần thiết, các nước này sẽ tìm hỗ trợ tài chính từ phía Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia và Gruzia còn đang bàn biện pháp lập khu vùng đệm dọc biên giới để tập trung và tiêu hủy lợn bệnh, không để mầm bệnh thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ.

Người đứng đầu Cơ quan thú y-thực phẩm Latvia cũng cho biết, tại khu vực biên giới, cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng biên phòng đang áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường đối với hành lý của những người nhập cảnh từ Nga và Belarus. Lệnh cấm nhập đã được ban hành đối với thịt, sản phẩm thịt, sữa và sản phẩm sữa. Tất cả các sản phẩm có trong danh mục khi phát hiện tại biên giới sẽ bị tịch thu và tiêu hủy tại chỗ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục