Nga và phương Tây trong cuộc chạy đua vũ trang về lĩnh vực không gian

Có một lĩnh vực mới mà NATO, Mỹ và Nga nhiều khả năng đang cạnh tranh và xung đột với nhau, đó là lĩnh vực không gian và cuộc chiến này đang ngày càng nóng lên.
Nga và phương Tây trong cuộc chạy đua vũ trang về lĩnh vực không gian ảnh 1Lĩnh vực không gian được dự báo sẽ là "chiến trường" mới của Nga, Mỹ và các nước Phương Tây. (Nguồn: Clarissaus)

Ngày 4/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ coi không gian là một “sân khấu của các hoạt động quân sự” và rằng sự phát triển Lực lượng Không gian Mỹ là một mối đe dọa đối với Nga.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Putin phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng nước này ở Sochi: “Giới lãnh đạo quân sự-chính trị Mỹ đã công khai cân nhắc đưa lĩnh vực không gian trở thành một sân khấu quân sự và đang lên kế hoạch tiến hành các chiến dịch tại đây. Để bảo vệ sự thống trị chiến lược trong lĩnh vực này, Mỹ đã đẩy mạnh việc thiết lập các lực lượng không gian của mình, vốn đang trong tiến trình chuẩn bị hoạt động”.

Ông Putin nói thêm rằng các nước hàng đầu thế giới đang nhanh chóng xúc tiến việc phát triển các hệ thống không gian quân sự hiện đại và các vệ tinh hai chức năng, và Nga cần phải làm điều tương tự.

Và NATO cũng vậy

Những tuyên bố của Putin ngày 4/12 gợi nhớ lại những gì ông từng nói hồi cuối tháng 11 vừa qua trước Hội đồng An ninh Quốc gia của ông, trong đó ông bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những nỗ lực của NATO trong việc quân sự hóa không gian vũ trụ. Bình luận này được đưa ra sau khi NATO tuyên bố không gian là “lĩnh vực hoạt động” thứ 5 đối với liên minh quân sự này, bên cạnh hàng không, đất liền, biển và mạng.

Phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng hôm 20/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Đưa không gian trở thành một lĩnh vực hoạt động sẽ giúp chúng ta đảm bảo tất cả các khía cạnh đều được chú trọng nhằm bảo đảm sự thành công của các sứ mệnh của chúng ta. Tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào việc củng cố việc phát triển các hệ thống không gian quân sự".

Ông cho biết hiện có khoảng 2.000 vệ tinh đang quay xung quanh Trái Đất, trong đó khoảng một nửa là thuộc sở hữu của các nước NATO. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng “NATO không có ý định đưa vũ khí vào không gian. Chúng ta là một liên minh phòng thủ, và cách tiếp cận của liên minh với lĩnh vực không gian sẽ tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế. Hiệp ước Không gian Vũ trụ 1967 là một thỏa thuận toàn cầu được xem như là một viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho luật không gian vũ trụ quốc tế.

Chiến tranh giữa các vì sao

Đây không phải lần đầu tiên không gian vũ trụ được coi là một lĩnh vực tiềm năng cho mục tiêu quốc phòng, đặc biệt là trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. “Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược” (SDI) là một chương trình được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1983 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Mục tiêu của chương trình này là phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo được thiết kế nhằm bắn rơi các tên lửa hạt nhân trong không gian, đặc biệt để đối phó với mối đe dọa tấn công tên lửa tiềm tàng từ Liên Xô. Chương trình này được đặt tên là “Chiến tranh giữa các vì sao” bởi nó dự kiến sẽ sử dụng các công nghệ có nền tảng không gian như tia la-de, tia X trong hệ thống phòng thủ.

Tuy nhiên, sự thiếu chi phí và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đồng nghĩa với việc SDI đã không bao giờ được xây dựng. Ý tưởng thống trị và phòng vệ không gia đã thu hút thêm sự chú ý trong những năm gần đây, song phải đến năm 2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump mới khởi động ý đồ phát triển một nhánh quân sự khác là “Lực lượng Không gian”. Ông cho biết ý tưởng về lực lượng không gian này lúc đầu chỉ là lời nói đùa, song sau đó ông đã quyết định rằng đây là một “ý tưởng tuyệt vời.

[Thế giới liệu có đang ở trong cuộc chạy đua vũ trang về kỹ thuật số?]

Đầu năm 2019, Mỹ tiết lộ tài liệu đánh giá toàn diện chương trình phòng thủ tên lửa của mình theo cái mà họ tuyên bố là cần thiết cho một “cách tiếp cận toàn diện với phòng thủ tên lửa chống lại các mối đe dọa tên lửa khu vực và các nhà nước bị đặt ngoài vòng pháp luật. Tài liệu này cũng thừa nhận “không gian là một lĩnh vực đấu tranh mới, với Lực lượng Không gian làm chỉ huy, đồng thời nói rằng lực lượng này sẽ “đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong không gian.

Chạy đua vũ trang trong không gian?

Về phần mình, Nga cho rằng chương trình này của Mỹ giống như việc tái phát động chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Chiến tranh Lạnh. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga được hãng tin Reuters trích dẫn, Nga lên án chiến lược này của Mỹ là một hành động đối địch, đồng thời hối thúc Washington xem xét lại các kế hoạch của mình.

Tuyên bố nói: “Chiến lược này thực tế đang bật đèn xanh cho nguy cơ phát triển các năng lực tấn công hạt nhân trong không gian. Việc thực thi các ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn tới sự khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực nhất đối với an ninh và ổn định thế giới. Giới phân tích cho biết Nga lo ngại Mỹ và NATO mở ra một lĩnh vực hoạt động mới trong không gian, bởi Nga có thể dễ dàng bị bỏ xa khi cạnh tranh với chuyên môn công nghệ, sự tiên tiến và kho vũ khí của các nước NATO cộng lại trong không gian.

Daragh McDowell, chuyên gia phân tích về Nga tại Verisk Maplecroft, nói với CNBC: “Tôi cho rằng khi người Nga nghe thấy điều này, đầu tiên họ sẽ nghĩ đến Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, họ nghĩ đến phòng thủ tên lửa, và đó là những thứ họ không thể cạnh tranh trong các lĩnh vực này, cũng như những thứ mà họ rất muốn tránh phải cạnh trạnh. Câu hỏi đặt ra là NATO thực sự sẽ làm gì trong lĩnh vực này?

Đầu năm nay, ông Putin nói Nga cần nâng cấp mạnh mẽ ngành công nghiệp không gian. Ông phát biểu trước Hội đồng An ninh Quốc gia hồi tháng 4/2019 rằng “rõ ràng, việc hiện đại hóa một cách triệt để ngành công nghiệp không gian và tên lửa là rất quan trọng. Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông còn nói việc nắm các vị trí hàng đầu trong thám hiểm không gian là thiết yếu để giải quyết các nhiệm vụ phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và sự cạnh tranh công nghệ, kinh tế của đất nước.

Christopher Granville, Giám đốc điều hành EMEA và hãng Nghiên cứu Chính trị Toàn cầu tại TS Lombard, nói với CNBC rằng trong vài thập kỷ qua, Nga đã dành thời gian và nỗ lực đáng kể để phát triển các công nghệ nhằm tự phòng vệ trước “bất kỳ năng lực chiến lược đáng kể hay năng lực phòng vệ tên lửa của Mỹ”, và “nếu Mỹ phát triển các năng lực mới này ngoài không gian vũ trụ đúng như giả thuyết, Nga cũng sẽ đáp trả bằng cách củng cố hệ thống vũ khí mà Putin đã phô trương rầm rộ hồi năm ngoái (những vũ khí hạt nhân mới mà ông khoe hồi tháng 3/2018 là ‘không thể đánh bại’)”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục