Ngẫm điều trông thấy...

Ngẫm điều trông thấy qua chuyện tu viện Bát Nhã

Sự thật về vụ việc xảy ra ở Tu viện Bát Nhã trong hơn một năm qua trắng đen giờ đã rõ, người đọc đã có đủ thông tin để hiểu sự việc.
Sự thật về vụ việc xảy ra ở Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc-Lâm Đồng) trong hơn một năm qua trắng đen giờ đã rõ. Cái gọi là đàn áp phật tử, chính quyền can thiệp thô bạo vào chuyện phật giáo… được rêu rao trên một số trang web ở nước ngoài bây giờ đã trở nên "buồn cười" với nhiều độc giả.

Người đọc đã có đủ thông tin và cũng đủ sáng suốt nhận ra sự việc. Tuy nhiên qua vụ việc này, có không ít điều đáng ngẫm.

Khi sự thật bị "nhào nặn"...

Chắc hẳn ai cũng rõ chân lý "một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật chưa là sự thật". Vậy mà chỉ có "một chút sự thật" là mâu thuẫn nội bộ giữa những người tập tu theo pháp môn Làng Mai với những phật tử Tu viện Bát Nhã trong việc "nhóm tu sinh theo Làng Mai ở nhờ trong Tu viện để tập tu theo những khóa tu có thời hạn nhưng đến khi hết hạn tu từ lâu vẫn không chịu chuyển đi" dẫn đến những xung đột, va chạm nhỏ giữa hai nhóm người này.

Những người có dụng ý riêng đã "la làng", tung tin sai sự thật, đổ tội cho chính quyền theo kiểu "gắp lửa bỏ tay người". Xâu chuỗi những thông tin trên các trang web, không khó nhận ra hình như chuyện tranh chấp nội bộ giữa hai nhóm trên chỉ là cái cớ để những kẻ có mưu đồ không tốt cố tình "bé xé ra to," biến chúng thành công cụ cho mục đích riêng của họ mà xét cho cùng chẳng liên quan gì đến những người trong cuộc, thậm chí có thể chính một số người trong nhóm tập tu theo Pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã cũng là nạn nhân của những kẻ cố tình "xé to" chuyện này.

Trong những ngày mà nhiều trang web ở nước ngoài không ngừng "kêu cứu khẩn cấp" cho những người tập tu theo Làng Mai đang ở chùa Phước Huệ, chúng tôi đã có cuộc "vi hành" để nghe những phản ánh vô tư, đúng sự thật của người dân Bảo Lộc.

Tất cả những người dân "biết chuyện kể cho nghe" đều khẳng định chẳng thấy chính quyền đàn áp các tu sinh mà ngược lại khi có tranh chấp, xung đột giữa 2 nhóm thì chính quyền đã phải "vắt chân lên cổ" lo giữ gìn trật tự, tham gia vận động hòa giải…

Một phụ nữ nhà ở đối diện cổng chùa Phước Huệ bức xúc nói: "Nhà tôi không theo đạo Phật nên tôi không quan tâm nhiều đến chuyện Phật giáo ở đây. Thế nhưng tôi nghĩ một trong những điều cần có ở một người tốt là phải trung thực. Từ ngày họ chuyển từ Bát Nhã ra đây tôi thấy chùa vẫn bình thường, thậm chí quán cơm chay trong chùa vẫn bán. Vậy mà trên mạng nói chùa bị bao vây, không ai ra vào được. Thật là quá đáng."

Trò chuyện với chúng tôi tại chùa Phước Huệ, Thượng tọa Thích Thái Thuận - trụ trì chùa Phước Huệ cũng cho biết, gần 200 tăng ni đang ở tạm trong chùa vẫn sinh hoạt, tu tập bình thường. Thầy còn cho chúng tôi được chụp ảnh cảnh sinh hoạt của những tăng ni này như đi dạo trong chùa, ăn cơm… Vậy cái gọi là sự thật về Pháp nạn Bát Nhã ấy ở đâu ra? Phải chăng là ở trong trí tưởng tượng, trong sự "thêu dệt"… của một số người muốn lấy chuyện tu hành làm bình phong để tính chuyện khác?

Khi sự thật bị ai đó cố tình thêm bớt, nhào nặn theo chủ đích của họ khác xa hoặc trái với bản chất của sự thật vốn có thì sự thật ấy càng không phải là sự thật và vì thế tác hại của nó càng lớn.


... và những điều đáng suy ngẫm

"Một người tu hành chân chính trước tiên phải là một công dân tốt," một vị cao tăng Phật giáo ở thị xã Bảo Lộc đã khẳng định như thế khi nói về chuyện tranh chấp giữa phật tử Tu viện Bát Nhã với những người tập tu theo Pháp môn Làng Mai trú tại Bát Nhã.

Hơn 50 năm khoác áo cà sa, sống qua nhiều chế độ nhưng theo vị cao tăng này thì "bây giờ tôi thấy bình yên nhất" và điều quan trọng nhất của một con người là phải tự biết mình là ai trong xã hội và sống đúng. Không thể vì một ưu ái nào đó mà cho rằng cái sai của mình là cái đúng, mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật chứ không thể tự cho mình được quyền "miễn trừ" trách nhiệm hay nghĩa vụ chung nào đó để rồi khi được nhắc nhở những sai phạm thì lại cho rằng mình bị "ghét bỏ", bị phân biệt đối xử…

Tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là điều luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện tốt. Điều này không chỉ ghi trong các văn kiện của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện rõ trên thực tế trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng khi các tôn giáo hợp pháp ngày càng được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt của Đảng và Nhà nước, tín đồ ngày càng tăng, cơ sở thờ tự ngày càng nhiều và khang trang hơn, các hoạt động tôn giáo ngày càng được tổ chức với quy mô lớn…

Thế nhưng, từ vụ việc Bát Nhã một lần nữa cho thấy những chính sách tốt của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo vẫn còn bị những luận điệu cũ rích của những kẻ có dụng ý xấu cản trở giống như một xa lộ đẹp, rộng thoáng phẳng lì nhưng lại có kẻ vứt vài hòn đá trên đường.

Một tu sĩ ở Huế là Thích Trí Khải vừa viết thư gửi cho nhiều vị cao tăng, phật tử trong nước khẳng định cái gọi là "huyết thư" của nhóm người nào đó ký tên thay mặt tăng ni trẻ tỉnh Lâm Đồng gửi đến các cơ quan chức năng chỉ là sự mạo danh. Bởi lẽ người tu hành chân chính không thể có lời lẽ như vậy.

Với suy nghĩ "vụ Bát Nhã" là chuyện nội bộ của những người tập tu ở nhờ tại Tu viện Bát Nhã với phật tử của Tu viện Bát Nhã nên hầu hết các cơ quan thông tin đại chúng đã không thông tin. Chính vì thế mà "vô tình" một số người trong và ngoài nước chỉ được nghe thông tin một chiều từ những kẻ cố tình tung tin theo ý đồ riêng dẫn đến có những ý kiến thiếu chính xác.

Việc này cũng là điều dễ hiểu vì khi xử lý một vấn đề gì đó trên một cơ sở dữ liệu sai thì tất yếu cho ra kết quả không thể chính xác. Đây cũng là điều để đáng để mọi người (nhất là những người tốt song do thiếu thông tin đã vội có những ý kiến chưa chính xác) suy ngẫm, tự rút ra bài học cho mình để tránh vô tình thêm một lần nữa bị lợi dụng./.

Lâm Đông (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục