Nga-Mỹ tuyên bố hoàn tất hiệp ước START mới

Theo hiệp ước "lịch sử" START mới, kho vũ khí hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ sẽ giảm gần 1/3 trong vòng 10 năm tới.
Ngày 26/3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoàn tất hiệp ước "lịch sử" mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân (START mới) của mỗi bên, theo đó kho vũ khí hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân này sẽ giảm gần 1/3 trong vòng 10 năm tới.

Sau nhiều tháng tranh luận căng thẳng, lãnh đạo hai nước đã "chốt" lại cái mà Tổng thống Mỹ Obama gọi là "thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn diện nhất trong vòng hai thập kỷ qua," trong khi Tổng thống Nga Medvedev đánh giá START mới phản ánh tương quan lợi ích của Nga và Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định việc có được hiệp ước này minh chứng ưu tiên của ông trong việc "điều chỉnh" quan hệ Mỹ-Nga, trong khi tại Mátxcơva, Điện Kremlin nói "tổng thống hai nước đã nhất trí rằng hiệp ước mới đánh dấu bước chuyển lên mức độ cao hơn trong việc phát triển các quan hệ chiến lược Nga-Mỹ."

START mới sẽ được tổng thống hai nước ký tại thủ đô Prague của Cộng hòa Séc vào ngày 8/4 tới, đồng thời hai ông cho rằng nhiệm vụ trọng tâm sau lễ ký tại Prague là Quốc hội hai nước phê chuẩn START mới.

Thư ký báo chí Tổng thống Nga, bà Natalia Timakova thông báo Tổng thống Medvedev và Tổng thống Obama cũng đã thỏa thuận sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế cấp bách trong cuộc gặp tại Prague.

START mới sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm so với thời hạn 15 năm của START-I (ký năm 1991, có hiệu lực năm 1994 và đã hết hiệu lực ngày 5/12/2009). START mới quy định Nga và Mỹ đều sẽ cắt giảm gần 1/3 số đầu đạn hạt nhân, xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, ít hơn 30% so với quy định trong "Hiệp ước Mátxcơva năm 2002."

Hiệp ước mới cũng quy định giảm số phương tiện phóng chiến lược, tên lửa và bom mang đầu đạn hạt nhân của mỗi bên.

Theo ước tính của các chuyên gia vũ khí hạt nhân, Mỹ hiện có khoảng 2.150 vũ khí hạt nhân chiến lược đã triển khai và Nga có khoảng 2.600. Ngoài ra, Mỹ còn có khoảng 2.600 đầu đạn dự trữ và 500 vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Tuy nhiên, sự trái ngược trong các tuyên bố của Nga và Mỹ về việc liệu hiệp ước mới có liên quan kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không làm dấy lên những lo ngại rằng phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, vốn bảo vệ kế hoạch phòng thủ tên lửa, có thể ngăn cản hiệp ước này.

Trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố START mới không ngăn cản Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) thì Điện Kremlin lại quả quyết văn kiện này quy định trách nhiệm pháp lý của sự gắn kết giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu rõ rằng Mátxcơva có thể rút khỏi thỏa thuận nếu như Washington đi quá xa với kế hoạch phòng thủ tên lửa của mình bằng việc thiết lập NMD tại Đông Âu.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố hoan nghênh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới vừa đạt được giữa Nga và Mỹ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh việc Nga và Mỹ đạt được START mới là "mốc lịch sử quan trọng" trong nỗ lực toàn cầu nhằm loại trừ vũ khí hạt nhân ra khỏi đời sống nhân loại.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Tổng thống Mỹ và Nga về thành công của Hiệp ước, đồng thời hy vọng rằng hiệp ước mới sẽ được quốc hội hai nước phê chuẩn không chậm trễ để nhanh chóng có hiệu lực thi hành. Ông kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục các nỗ lực giảm và loại trừ tất cả vũ khí hạt nhân để làm gương cho các nước có vũ khí hạt nhân khác.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ lạc quan rằng việc Nga và Mỹ đạt được START mới sẽ là động lực quan trọng cho Hội nghị Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước Liên hợp quốc về không phổ biến hạt nhân (NPT) vào tháng Năm tới tại Mỹ nhân kỷ niệm 40 năm NPT có hiệu lực toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục