Ngân hàng Argentina duy trì lãi suất cao trước đà tăng lạm phát

Ngân hàng Trung ương Argentina tin rằng việc giữ lãi suất cơ bản ở mức cao sẽ giúp kéo giảm đà tăng lạm phát trong trung hạn và củng cố sự ổn định trên thị trường tài chính, hối đoái của nước này.
Ngân hàng Argentina duy trì lãi suất cao trước đà tăng lạm phát ảnh 1Kiểm đồng peso của Argentina tại một siêu thị ở Buenos Aires. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/1, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 75% trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tỷ lệ lạm phát lên tới 94,8% trong năm 2022, cao nhất kể từ năm 1991.

BCRA tin rằng việc giữ lãi suất cơ bản ở mức cao sẽ giúp kéo giảm đà tăng lạm phát trong trung hạn và củng cố sự ổn định trên thị trường tài chính, hối đoái của nước này. Để ngăn lạm phát tiếp tục tăng cao, BCRA không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất và áp dụng thêm nhiều công cụ hỗ trợ khác.

Ngân hàng Trung ương Argentina cam kết sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động tài chính và kịp thời đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra biến động quá mức có thể tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và việc vốn huy động tại nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này.

Kinh tế Argentina đang trải qua thời kỳ đầy khó khăn với tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới. Năm 2021, tỷ lệ lạm phát ở nước này cũng ở mức 50,9%. Không chỉ vậy, nước này còn đang đối mặt với tình trạng nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi đồng peso nội địa liên tục mất giá.

Năm 2018, Argentina rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng dưới thời của Tổng thống Mauricio Macri khiến chính phủ lúc đó phải viện tới sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và được tổ chức tài chính đa phương này đã chấp thuận khoản vay tín dụng lên tới 57 tỷ USD, mức vay cao nhất trong lịch sử IMF.

Chính phủ của ông Macri đã được IMF giải ngân gần 45 tỷ USD cho tới khi thất cử 1 năm sau đó. Ngay sau khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Fernandez đã từ chối nhận phần còn lại của khoản vay và bắt đầu đàm phán về việc tái cơ cấu khoản nợ vì cho rằng Argentina không thể thực hiện được nghĩa vụ trong thời gian theo thỏa thuận cũ.

Theo thỏa thuận mới được ký kết với IMF, thời hạn cho vay mới là 4,5 năm và thời gian thanh toán nợ là 10 năm, có nghĩa là Argentina sẽ phải thanh toán nợ từ năm 2026 đến năm 2034. Ngoài ra, Argentina cũng sẽ phải tuân thủ một số mục tiêu về tăng trưởng, giảm lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại tệ và thu hẹp thâm hụt ngân sách để đưa về mức cân bằng vào năm 2025.

[Argentina tiếp tục tiến trình đàm phán về cơ cấu nợ với IMF]

IMFvà giới chức Argentina cũng đã đạt được một thỏa thuận cấp chuyên viên về một cơ cấu kinh tế vĩ mô cập nhật, qua đó cho phép quốc gia Nam Mỹ này tiếp cận khoản giải ngân 4,03 tỷ USD của IMF.

Trên cơ sở thỏa thuận trên, Chính phủ Argentina đã đặt mục tiêu về thâm hụt ngân sách ban đầu ở mức 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay 2022 và giảm dần xuống mức 1,9% GDP trong năm 2023 và 0,9% GDP vào năm 2024.

Ngân hàng Argentina duy trì lãi suất cao trước đà tăng lạm phát ảnh 2Một cửa hàng bán rau củ ở Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài IMF, chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận với Câu lạc bộ Paris về việc tiếp tục lùi thời hạn thanh toán nợ tới ngày 30/9/2024.

Câu lạc bộ Paris là một nhóm không chính thức gồm 19 nước chủ nợ. Các nước chủ nợ của Argentina gồm có Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Sĩ, trong đó Đức và Nhật Bản chiếm tới 60% tổng khoản nợ của Argentina.

Các khoản nợ của Argentina được hình thành trong giai đoạn từ năm 1976-1983 và nước này phải tuyên bố vỡ nợ vào cuối năm 2001 sau khi không thể đạt được nhất trí về cách thức giảm nợ và giãn nợ với Câu lạc bộ Paris.

Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong nhiều năm đã khiến lạm phát luôn duy trì ở mức hai chữ số trong 12 năm liên tiếp. Nguyên nhân của tình trạng này là do thâm hụt chi tiêu triền miên, đồng nội tệ liên tục mất giá và tác động mạnh từ các yếu tố bên ngoài như giá năng lượng và ngũ cốc tăng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong nỗ lực làm giảm lạm phát, tháng trước, chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández đã đạt được thỏa thuận bình ổn giá với các công ty thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Theo đó, các công ty sẽ giữ giá của khoảng 2.000 mặt hàng đến tháng 3/2023 và chỉ tăng giá không quá 4%/tháng đối với 30.000 mặt hàng khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục