Ngân hàng Nhật Bản duy trì niềm tin vào chính sách tiền tệ

BOJ duy trì chính sách tiền tệ ổn định đồng thời khẳng định kinh tế nước này phục hồi vừa phải bất chấp “cơn gió ngược” gây ra từ việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014.
Ngân hàng Nhật Bản duy trì niềm tin vào chính sách tiền tệ ảnh 1Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda. (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 13/6 duy trì chính sách tiền tệ ổn định đồng thời khẳng định kinh tế nước này phục hồi vừa phải bất chấp “cơn gió ngược” gây ra từ việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014, đồng thời BOJ cũng nâng đánh giá đối với các nền kinh tế khác.

Trong một động thái được mong đợi bấy lâu, BOJ một lần nữa bày tỏ tự tin về việc đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản lên 2% vào năm 2015 với chính sách tiền tệ siêu lỏng theo đó Tokyo mua với số lượng lớn các tài sản của các ngân hàng cũng như tăng gấp đôi đổ vào nền kinh tế.

Ban Chính sách gồm chín thành viên của BOJ đã biểu quyết nhất trí cho quyết định kể trên vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc ngày 13/6.

BOJ khẳng định kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi ổn định như một xu hướng. Như vậy, ngân hàng vẫn duy trì đánh giá cho tháng thứ 9 liên tiếp.

Tuy nhiên, BOJ cũng lưu ý về sự sụt giảm về nhu cầu nội địa như một phản ứng của thị trường đối với sự gia tăng đột biến nhu cầu trước thời điểm tăng thuế tiêu dùng hôm 1/4 từ 5% lên 8% trong bối cảnh xuất hiện những lo âu về chi tiêu cho lĩnh vực nhà ở và đầu tư kinh doanh.

Thông cáo của BOJ cũng khẳng định các nền kinh tế khác “đang phục hồi” và cho thấy những dấu hiệu tích cực đặc biệt là ở “các nền kinh tế phát triển.”

Trước đó, hồi tháng 5/2014, BOJ cho biết chúng mới chỉ “bắt đầu phục hồi.” BOJ sửa đổi đánh giá theo hướng tích cực rõ ràng là nhờ các dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ, mà bằng chứng mới đây nhất là tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực việc làm.

Ngân hàng này cho biết “tiêu dùng cá nhân và đầu tư nhà ở vẫn phục hồi” cùng với tình trạng cải thiện tình hình việc làm và thu nhập. Đầu tư cho kinh doanh “tăng ổn định vì lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện” trong khi “xuất khẩu có đôi chút chững lại thời gian gần đây.”

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda sẽ bày tỏ quan điểm của ngân hàng tại cuộc họp báo vào cuối ngày. Trong phát biểu hồi đầu tháng này, ông Kuroda cho rằng việc nới lỏng tiền tệ “định lượng và định tính,” được đưa ra vào tháng 4/2013, đã giúp kinh tế Nhật chuyển dịch dần theo hướng khắc phục được tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua.

Việc mua số lượng lớn các trái phiếu Nhật Bản của BOJ đã kéo lãi suất 10 năm giảm xuống còn khoảng 0,6%, một bước tiến triển giúp hạ lãi suất sau điều chỉnh lạm phát của nền kinh tế.

Theo dữ liệu của chính phủ công bố hồi tháng 5/2014, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản, không bao gồm các thực phẩm tươi sống, tăng 1,5% so với năm 2013 sau khi loại bỏ tác động của việc tăng thuế tiêu dùng.

Trong phát biểu ngày 7/6, ông Kuroda cho biết BOJ sẽ tiếp tục “khuyến khích một sự sụt giảm lãi suất thực tế thông qua những kỳ vọng về lạm phát và nhờ đó sẽ giúp kích thích nền kinh tế.”

Cuộc họp bàn chính sách lần này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang hoàn tất quá trình cập nhật chiến lược thúc đẩy tăng trưởng của ông, trong đó sẽ bao gồm cả những biện pháp củng cố giá chứng khoán của nước này như xem xét lại chiến lược đầu tư quỹ lương hưu lớn do nhà nước điều hành.

Một số nhà phân tích trước đó từng khẳng định BOJ có thể sẽ chịu áp lực phải thực hiện nới lỏng tiền tệ bổ sung nhằm giúp tạo thuận lợi cho chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe.

Tuy nhiên, lời đồn đoán ấy đã không thành hiện thực khi ông Kuroda tiếp tục tuyên bố rằng ông tự tin sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% với chính sách hiện nay của BOJ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục