Trước đà giảm của lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 11/4 và chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Sáu.
Kể từ tháng 10/2023, ECB đã giữ nguyên lãi suất sau một chuỗi tăng chưa từng có nhằm kiềm chế lạm phát. Sau cuộc họp tháng trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết các thành viên ban điều hành ngân hàng này vẫn chưa "đủ tin tưởng" vào tình hình lạm phát để xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, triển vọng hạ lãi suất đã được củng cố sau khi lạm phát tại Khu vực đồng euro giảm tốc xuống 2,4% trong tháng Ba, đưa mục tiêu 2% của ECB trở nên khả thi. Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng ECB sẽ khó đưa ra sự thay đổi trong tuần này sau khi các quan chức ngân hàng này liên tục nhắc lại rằng họ đang chờ số liệu cho đến cuộc họp vào ngày 6/6.
Dự kiến, vào tháng Sáu, ECB cũng sẽ có dự báo cập nhật riêng về lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Lãi suất tiền gửi của ECB hiện ở mức kỷ lục 4%, sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát do xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID-19.
Lạm phát tại khu vực đồng euro, đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022, đã giảm dần trong những tháng gần đây và được ECB kỳ vọng sẽ quay trở lại mục tiêu vào năm 2025.
Giống như các ngân hàng trung ương khác, ECB đang cân nhắc thời điểm tốt nhất để chuyển hướng chính sách và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua lãi suất thấp hơn mà không gây nguy hiểm cho tiến trình kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng trước khi hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm và trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất ổn định trong các cuộc họp gần đây và tiếp tục dự kiến duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong một thời gian nữa khi nền kinh tế vẫn mạnh mẽ. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước lưu ý việc hạ lãi suất quá sớm có thể gây khó cho nền kinh tế Mỹ.
Khả năng ECB cắt giảm lãi suất trước Fed đã khiến một số nhà quan sát lo lắng. Lãi suất thấp hơn tại khu vực đồng euro có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác, làm suy yếu đồng euro và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, qua đó, thúc đẩy lạm phát. Song, ông Jack Allen-Reynolds, chuyên gia của tổ chức tư vấn Capital Economics cho rằng ECB “sẽ không chờ đợi Fed."
Một khi ECB bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, sự chú ý sẽ nhanh chóng chuyển sang tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Nhiều nhà quan sát dự kiến sẽ có ít nhất ba đến bốn lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, mỗi lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, bà Lagarde cho biết ECB sẽ không cam kết về một lộ trình lãi suất cụ thể và các quyết định trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các số liệu./.
Chủ tịch ECB cảnh báo đừng để quá muộn mới cắt giảm lãi suất
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng không thể đợi cho đến khi có tất cả các thông tin liên quan vì có thể có nguy cơ dẫn đến hành động quá muộn trong việc điều chỉnh chính sách.