Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ duy trì lãi suất cực thấp

Do sự thiếu chắc chắn về triển vọng lạm phát, tăng trưởng tiền lương và động thái chính sách tiền tệ ở nước ngoài, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái lãi suất cực thấp.
Đồng 10.000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ quyết định tiếp tục duy trì trạng thái lãi suất cực thấp tại cuộc họp chính sách ngày 15-16/6, do sự thiếu chắc chắn về triển vọng lạm phát, tăng trưởng tiền lương và các động thái chính sách tiền tệ ở nước ngoài.

Trước thềm cuộc họp chính sách lần này, tân Thống đốc Kuzuo Ueda, người vừa nhậm chức vào tháng 4/2023, đã chỉ ra những rủi ro bên lề của lạm phát, xuất phát từ những hành vi thay đổi định giá của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Ông Ueda cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết theo đuổi chiến lược nới lỏng tiền tệ, vì vẫn còn “một khoảng cách” để Nhật Bản tiến gần hơn về mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định.

[Nhật Bản chưa thoát thâm hụt thương mại sau 22 tháng liên tiếp]

BOJ nhận định nền kinh tế Nhật Bản "đã phục hồi" bất chấp các yếu tố tiêu cực như giá cả hàng hóa cao hơn.

Các nhà quản lý kỳ vọng nhu cầu bị dồn nén, đặc biệt là đối với các loại dịch vụ, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, ngay cả khi nhu cầu ở nước ngoài suy yếu sau các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu.

Dự kiến BoJ sẽ duy trì chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, theo đó lãi suất ngắn hạn được đặt ở mức - 0,1% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được định hướng ở mức 0%.

Các cuộc đàm phán về tiền lương trong năm nay giữa liên đoàn lao động và đại diện các doanh nghiệp đã mang lại mức tiền lương cao nhất trong khoảng ba thập kỷ cho lao động Nhật Bản, báo hiệu tích cực cho những nỗ lực của BoJ nhằm đạt được sự ổn định giá cả đi kèm tăng lương.

Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, đang được BoJ theo dõi chặt chẽ, vẫn ở mức trên 2% trong một năm nay.

Nhưng BoJ đã không thay đổi quan điểm cho rằng các đợt tăng giá gần đây là do chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô tăng lên và đà tăng này sẽ dần yếu đi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, lạm phát gây tăng giá nhiều loại hàng hóa đã khiến tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là khi tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng của lạm phát.

Trong tháng 4/2023, tiền lương thực tế của Nhật Bản đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tháng giảm thứ 13 liên tiếp.

Thủ tướng Fumio Kishida mới đây đã lên tiếng kêu gọi các công ty cần tăng lương hơn nữa.

Trong một kế hoạch chi tiết về chính sách sẽ được hoàn thiện vào ngày 16/6, chính phủ của Thủ tướng Kishida được cho là đang tìm cách tạo điều kiện để người lao động có thể chuyển đổi công việc, với các điều kiện làm việc tốt hơn.

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với chế độ làm việc trọn đời, nhưng những người chỉ trích nói rằng hệ thống này đã khiến tốc độ tăng lương trong nước bị chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục