Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét hoãn tăng thuế đến sau tài khóa 2025 dựa trên đề xuất của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Với động thái mới này, việc tăng thuế phục vụ cho mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng một lần nữa được kéo dài thêm so với thời hạn hoãn tăng thuế đến sau tài khóa 2024 mà chính phủ công bố trước đó.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida quyết định dành 43.000 tỷ yên (309 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong 5 năm đến tài khóa 2027.
[BoJ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến lạm phát ngày càng tăng]
Để có kinh phí cho mức tăng này, ông Kishida đã công bố kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập và thuốc lá cũng như thực hiện cải cách chi tiêu và khai thác nguồn thu ngoài thuế. Tuy nhiên, cho đến nay, thời điểm chính xác để tăng thuế vẫn chưa được quyết định.
Sau khi xem xét các yếu tố, bao gồm cả sự phản đối của người dân đối với việc tăng thuế, chính phủ đã hoãn kế hoạch đến sau tài khóa 2024.
Tiếp đó, trong bối cảnh có những đồn đoán về khả năng Thủ tướng Kishida sẽ giải tán Hạ viện khi kỳ họp Quốc hội hiện nay kết thúc vào cuối tháng Sáu để tổ chức bầu cử sớm, người phụ trách các vấn đề chính sách của LDP, ông Koichi Hagiuda, tuần trước đã kêu gọi Thủ tướng Kishida hoãn kế hoạch tăng thuế cho đến sau tài khóa 2025, do chính sách này sẽ không nhận được sự ủng hộ của cử tri.
Dự kiến kế hoạch hoãn tăng thuế đến sau tài khóa 2025 sẽ được đưa vào một dự thảo chính sách kinh tế và tài chính do chính phủ phê duyệt vào ngày 16/6 tới.
Doanh thu ngoài thuế sẽ được sử dụng để đảm bảo kinh phí cần thiết cho đến khi thuế được tăng theo lịch trình mới.
Ông Hagiuda đã trình một loạt các đề xuất, bao gồm cả việc sử dụng tốt hơn các khoản thu ngoài thuế. Trong kế hoạch chính sách chi tiết sắp được phê duyệt, chính phủ sẽ đưa ra quyết định "linh hoạt" bằng cách cân nhắc các biện pháp để đảm bảo các quỹ.
Trong khi sức khỏe tài chính của Nhật Bản bị đánh giá là kém nhất trong số các nền kinh tế phát triển, ông Kishida vẫn có kế hoạch tăng cường chi tiêu cho chính sách trẻ em để ngăn tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Các nguồn tin cho biết kế hoạch sẽ khẳng định chính phủ "không xem xét tăng gánh nặng thuế, bao gồm cả việc tăng thuế tiêu thụ" cho mục tiêu mở rộng hỗ trợ chăm sóc trẻ em./.