Ngân hàng VPBank điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 17,5%

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đã cân đối lại tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với giới hạn mới là 17,5% thay vì 15% từ hồi tháng Năm.
Ngân hàng VPBank điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 17,5% ảnh 1Giao dịch tại VPBank. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank-mã VPB) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Lý giải về con số điều chỉnh mới, VPBank cho biết đây là tỷ lệ đủ để ngân hàng có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện là ngày 7/1/2022, thời gian lấy ý kiến dự kiến trong tháng 1/2022.

[VPBank hoàn tất bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC Group]

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng đang có kế hoạch bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhằm huy động vốn, có thể thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu 2022.

Ngân hàng này mới đây cũng đã hoàn tất phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, ngân hàng phát hành hơn 1,975 tỷ cổ phiếu để tăng vốn, trong đó hơn 1,53 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 62,15% và 440 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ gần 17,5%. Số tiền thu về dự kiến là hơn 19.750 tỷ đồng.

Nguồn vốn phát hành là từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị là hơn 19.757 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện thành công, vốn điều lệ của ngân hàng được nâng từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống.

Như vậy, với nghị quyết vừa ban hành, VPBank đã cân đối lại tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với giới hạn mới là 17,5% thay vì 15% từ hồi tháng Năm. Cân đối này có tính chất quan trọng liên quan đến giao dịch của cổ phiếu VPB thời gian tới.

Cụ thể, từ tháng Năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra cổ phiếu VPB, đặc biệt bán mạnh trong 1 tháng trở lại đây.  Cụ thể, từ tháng 11 cho đến phiên cuối tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài liên tục có hoạt động bán ròng kéo dài tại VPB, với nhiều phiên quy mô bán lên tới quanh 10 triệu đơn vị/phiên.

Đáng chú ý, đi cùng với đó là lượng hàng bán ra với quy mô lớn của nhà đầu tư nội, tạo quy mô giao dịch đột biến tại VPB với khoảng 30 triệu đơn vị/phiên, giá trị vượt trên 1.000 tỷ đồng/phiên gần đây. Cả hai áp lực này khiến VPB trở thành một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất ở nhóm ngân hàng, mất gần 14% chỉ khoảng hai tuần tính từ đỉnh gần nhất (39.200 đồng/cổ phiếu). Dù liên tục "xả" mạnh thời gian qua, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa xuống dưới 15%.

Do đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc cân đối mức tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 17,5% sẽ giải tỏa áp lực khối ngoại phải tiếp tục bán để hạ tỷ lệ sở hữu trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục