Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết giai đoạn 2013 - 2023 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đến nay, Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc "lợi dụng" chính sách về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW” ngày 10/8, tại Hà Nội, ông Thịnh nhấn mạnh hệ thống chính sách pháp luật được xây dựng trong thời gian qua đã bám sát yêu cầu thực tiễn các vấn đề phát sinh, xác định đúng vấn đề nút thắt, điểm nghẽn, kẽ hở, khoảng trống của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
[Những phế liệu được phép nhập từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất]
Về cơ bản, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có những bước sắp xếp, kiện toàn bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đầu tư cho bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực.
Tổng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cũng đã tăng dần theo từng năm và luôn được đảm bảo bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn so với giai đoạn trước (năm 2022 tăng 2,2 lần so với năm 2013).
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh…); triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa.
Cùng với chất lượng môi trường từng bước cải thiện, công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên cũng có nhiều bước tiến quan trọng.
“Cụ thể là công tác bảo vệ môi trường đã chủ động kiểm soát được tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Số lượng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn có danh hiệu quốc tế, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế tiếp tục gia tăng,” ông Thịnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện một số sở tài nguyên và môi trường địa phương cũng đã cho ý kiến về tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới./.