Ngành du lịch châu Á đối phó với dịch cúm A (H1N1)

Ngành du lịch tại châu Á vốn đang phải khó khăn đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nay lại phải chật vật đối phó với dịch cúm A (H1N1).

Ngành du lịch tại châu Á vốn đang phải khó khăn đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nay lại phải chật vật đối phó với dịch cúm A (H1N1).

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành du lịch quốc tế hy vọng kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh SARS năm 2003 ở châu Á có thể sẽ giúp ngành du lịch của khu vực nhanh chóng khắc phục được tình trạng ế ẩm.

Người phát ngôn của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái bình dương John Koldowski nói rằng ngành hàng không và giới hữu trách cửa khẩu ở các nước châu Á đang phải theo dõi sát hành khách đến với hy vọng có thể phát hiện và cách ly những người bị nhiễm virus cúm.

Tuy đã từng hy vọng sẽ phục hồi vào khoảng cuối năm 2009 từ cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng giờ đây viễn cảnh này của ngành du lịch của khu vực xem ra không chắc chắn.


Sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ nhanh chóng của việc đối phó với dịch cúm cũng như mức độ nhanh chóng của ngành du lịch khôi phục niềm tin nơi khách hàng sau khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong tình huống tốt nhất, sự phục hồi cũng phải mất 2 hay 3 tháng, còn trong tình huống xấu nhất phải mất đến 6 tháng hoặc hơn.

Do tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay trên khắp thế giới, nhiều khách du lịch trong năm nay chỉ đặt vé máy bay khi gần tới ngày khởi hành, khiến cho việc dự đoán xu hướng khó chính xác hơn.


Chủ tịch Hội đồng Đại diện ngành Hàng không tại Thái Lan Brian Sinclair-Thompson cho rằng ngành du lịch và chính phủ của các nước châu Á đã có những kinh nghiệm trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng về dịch bệnh SARS vào năm 2003 và hiện nay, giới hữu trách ngành hàng không đã hành động đúng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo ông Brian Sinclair-Thompson ngành du lịch các nước châu Á hiện đã được trang bị tốt hơn để có thể phối hợp với nhau nhằm bảo đảm an toàn y tế cho ngành vận tải công cộng, với các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và theo dõi dịch bệnh được triển khai đồng bộ.

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) hồi đầu tuần này nói rằng số lượt hành khách đi máy bay giảm 11% trong tháng 3, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn.

Khu vực châu Á-Thái Bình dương dẫn đầu về mức cầu giảm sút, với hơn 14%. IATA trước đó đã từng ước tính rằng mức lỗ của các hãng hàng không sẽ giảm xuống còn khoảng 5 tỉ USD trong năm nay, trong khi năm 2008 là 8,5 tỉ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục