Ngành du lịch châu Âu phục hồi nhẹ trong bối cảnh COVID-19 vẫn 'nóng'

Trong những tháng mùa Hè, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa trở lại đường biên giới giữa các nước thành viên của liên minh này để thúc đẩy ngành du lịch toàn EU.
Ngành du lịch châu Âu phục hồi nhẹ trong bối cảnh COVID-19 vẫn 'nóng' ảnh 1Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Venice, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 25/11 công bố báo cáo cho thấy ngành “công nghiệp không khói” của khu vực này đã phục hồi một phần sau khi sự sụt giảm lượng đặt phòng lưu trú trong mùa Hè thu hẹp lại.

Số đêm lưu trú của khách du lịch tại các điểm như khách sạn, phòng nghỉ ngắn ngày hay cắm trại ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3/2020, khi làn sóng phong tỏa đầu tiên được triển khai nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, trước khi tiếp tục xấu đi vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, do các biện pháp hạn chế bắt đầu được nới lỏng, sự sụt giảm về số lượng khách lưu trú qua đêm đã liên tục bị thu hẹp lại trong các tháng mùa Hè kể từ tháng 5/2020.

['Thuốc đắng giã tật' đối với ngành du lịch của châu Âu]

Trong tháng 8/2020, số đêm lưu trú của khách du lịch ít hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.

Từ tháng 1-8/2020, số lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tại EU đạt 1,1 tỷ lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những tháng mùa Hè, các nước EU đã mở cửa trở lại đường biên giới giữa các nước thành viên của liên minh này để thúc đẩy ngành du lịch toàn EU. Tuy nhiên, đường biên giới giữa các nước EU với phần lớn thế giới vẫn chưa được mở, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Italy ngày 24/11 đã chính thức triển khai một dự án do EU hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch trở nên thân thiện hơn với môi trường và tạo cơ hội tốt hơn sau đại dịch COVID-19.

Chương trình “EU Eco-Tandem Program” cũng nhằm thúc đẩy du lịch bền vững bằng cách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên sáng tạo hơn. Những đơn vị tham gia chương trình này sẽ được phổ biến cách để chuyển đổi hệ sinh thái làm việc và sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn tài trợ của EU cho các dự án thí điểm đổi mới sinh thái.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Italy cạnh tranh hơn và thu hút được nhiều nhóm du khách nước ngoài lớn hơn, trong đó có Đức, Mỹ, Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Italy, ngành du lịch chiếm hơn 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Khoảng 96,2 triệu du khách nước ngoài đã đến Italy trong năm 2019 và chi tiêu khoảng 44,3 tỷ euro (52,5 tỷ USD)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục