Theo Tổng cục Du lịch, đến hết tháng Bảy này, Việt Nam đã đón được 9,79 lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng tốc độ tăng trưởng khách 2 quý đầu năm thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 20-30% giai đoạn 2016-2018.
Số lượng khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc những tháng qua có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự phát triển chậm hơn của các nền kinh tế châu Á…
Các nước trong khu vực có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách du lịch quốc tế bằng chính sách tăng cường như đầu tư xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực… Trong khi đó, một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, dẫn đến phân tán lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn.
Trong năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón từ 17,5- 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 700.000 tỷ đồng.
Nếu đạt được con số này, tức là ngành Du lịch Việt Nam sẽ cán đích trước một năm so với mục tiêu đón 17- 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra.
Do đó, trong những tháng còn lại của năm nay, để đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành du lịch sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cả thị trường khách quốc tế và nội địa. Trong đó, ngành du lịch chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là ngành hàng không nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đón khách du lịch tại một số địa bàn du lịch trọng điểm.
[Xúc tiến thị trường khách quốc tế lớn thứ 3 của du lịch Việt Nam]
Đồng thời, ngành du lịch phối hợp với các địa phương thống nhất kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm kích cầu thu hút khách du lịch nước ngoài từ các thị trường trọng điểm.
Công tác xúc tiến, quảng bá xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách du lịch trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN sẽ được tăng cường.
Tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng từ các thị trường gần gồm Trung Quốc, nhóm các thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nhóm các thị trường Đông Nam Á và nhóm các thị trường gồm Hoa Kỳ, Nga, Australia và Tây Âu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương chủ động quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài, đẩy mạnh ứng dụng e-marketing, du lịch trực tuyến nhằm tăng trưởng khách ổn định.
Đặc biệt, ngành du lịch chủ động quảng bá sớm cho sự kiện thể thao quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam là Giải đua xe F1 và Năm ASEAN 2020 mà Việt Nam là Chủ tịch.
Mặt khác, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch, hướng dẫn viên; các địa phương quản lý tốt điểm đến để xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế./.