Ngành gia công phần mềm 2010 le lói khởi sắc

Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sau một năm vất vả do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã xuất hiện những tín hiệu vui.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) Phạm Tấn Công nhận định, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sau một năm vất vả do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, từ cuối năm 2009 đến nay, đã xuất hiện những tín hiệu vui.

Năm 2009 được coi là ảm đạm của ngành phần mềm Việt Nam. Một loạt các công ty gia công phần mềm (GCPM) lớn như Vietsoftware, Tinh Vân, TMA Solutions và cả những công ty nhỏ hơn trong đó có Run Systems đều thừa nhận là gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm khách hàng mới.

Ngay cả với các khách hàng truyền thống thì số “đơn đặt hàng” cũng bị sụt giảm mạnh. Theo bà Bùi Thị Hồng Liên, Tổng giám đốc FPT Software, doanh thu năm 2009 của công ty chỉ tăng khoảng 1%, tăng rất ít so với năm 2008.

Giám đốc Công ty Run Systems Ngô Quang Tẩu cũng cho biết, công ty của ông năm 2009 không tăng trưởng so với năm 2008 và doanh thu chỉ đạt 1 triệu USD.

Tuy nhiên, việc FPT Software chính thức công bố dự án phần mềm Nina trị giá khoảng 2 triệu USD (hợp tác với một công ty Nhật Bản) vào những tháng cuối năm 2009 được coi là tín hiệu khởi sắc cho GCPM Việt Nam năm 2010.

Không chỉ vậy, vào tháng 11/2009, FPT Software còn mời ông Ogawa Takeo, nguyên Tổng giám đốc Hitachi Software về làm Tổng giám đốc của FPT Japan với hy vọng tiến sâu vào thị trường Nhật Bản trong những năm tiếp theo.

Nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn Việt Nam dự báo, năm nay, thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam sang Mỹ, Australia có thể lạc quan hơn chút ít nhưng các thị trường còn lại, đặc biệt là Nhật Bản, vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá cao.

Theo Phó Giám đốc Công ty Tinh Vân Outsourcing Nguyễn Ích Vinh, trải qua năm 2009 yên ắng, các doanh nghiệp gia công phần mềm đã có nhiều thời gian để tích lũy, đào tạo nhân sự, lấy các chứng chỉ quốc tế.

Nếu như doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt thì năm 2010 sẽ không thiếu cơ hội. Thị trường Mỹ sẽ phục hồi trước, châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ chậm hơn nhưng tình hình gia công phần mềm nói chung chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2009.

Đại diện FPT Software cũng đặt mục tiêu tăng trưởng là 20% trong năm 2010, trong đó thị trường Mỹ với mức tăng rất tốt là 100%, EU tăng từ 30-40%, và thị trường Nhật vẫn tiếp tục khó khăn nên chỉ dự kiến tăng 10%.

FPT Software sẽ tiếp tục phát triển thị trường Mỹ, đây là thị trường rất rộng vì sau một năm thành lập công ty ở Mỹ, đến nay đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 40%. Tỏ ra khá lạc quan, phía Run Systems cũng dự kiến mức tăng trưởng khá hơn, khoảng 30-40% so với năm 2009.

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Tấn Công cho rằng, nhiều năm qua, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thâm nhập vào Mỹ không thành công lắm.

Tuy nhiên, trong tình hình suy thoái kinh tế, do áp lực khủng hoảng thì các doanh nghiệp tại Mỹ lại xem xét lại khả năng chi tiêu cho công nghệ thông tin và họ đã chọn Việt Nam với mức giá nhân công rẻ. “Khi làm thử, thấy tốt họ sẽ hợp tác tiếp”, ông Công nhận định.

Nhận định về thị trường gia công phần mềm năm 2010, Giám đốc Vietsoftware International (công ty gia công phần mềm thuộc Vietsoftware) Lê Xuân Hải lại cho rằng, thị trường gia công phần mềm sẽ tiếp tục đìu hiu trong nửa đầu năm 2010.

Theo ông Hải, cạnh tranh về mọi mặt sẽ khốc liệt hơn vì các nguồn cung dịch vụ từ các vùng khác sẽ cạnh tranh mạnh mẽ bằng giá cả và chất lượng. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu vì không có sức mạnh liên kết ở cấp quốc gia.

“Thử hỏi giá mặt bằng và chi phí sản xuất ở Việt Nam có cạnh tranh được với Trung Quốc, Philippines, Bangladesh... nữa hay không, khi mà tiền thuê nhà, đường truyền, thuế vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Hải trăn trở.

Mặc dù dự báo thị trường gia công phần mềm sẽ tiếp tục đìu hiu trong đầu năm 2010 nhưng VietSoftware lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất cao, từ 200% đến 250%. Lý do, theo ông Hải: “Cả năm 2009 công ty chủ yếu dồn sức xây dựng lực lượng và quản lý để chuẩn bị cho thời kỳ sau khủng hoảng”.

Công ty Tinh Vân cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng 50% nhân sự trong năm 2010 sau khi đã dành cả năm 2009 để đào tạo nhân sự, lấy các chứng chỉ quốc tế.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia phần mềm Việt Nam còn trăn trở hiện nay là việc đào tạo cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn yếu./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục