Ngành tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước

Năm 2020, ngành tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi 3,44% GDP đồng thời đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước theo dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Ngành tài chính sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 trên 3% so với dự toán của Quốc hội, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi 3,44% GDP, dư nợ công không quá 54,3% GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, dưới sự tham dự và chỉ đạo Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Để đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua, người đứng đầu ngành tài chính cam kết toàn ngành sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tài chính, ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tám nhóm nhiệm vụ cụ thể được đặt ra, trong đó chú trọng đến điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường, động lực, nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Ông Dũng cho hay, các đơn quản lý chức năng trong toàn ngành sẽ thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Ngành tài chính sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Một điểm nhấn quan trọng được nêu ra trong năm 2020 là việc chủ động hội nhập tài chính quốc tế. Cụ thể, ngành cam kết sẽ triển khai đồng bộ và hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, theo các cam kết với WTO, ASEAN. Trong đó, công tác trước mắt là điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết thuế quan trong các hiệp định đã ký kết và tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEM, APEC...

Riêng trong thời điểm này, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2019, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết diễn ra bình thường.

Ngành tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ, với sự chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch ngân sách kết hợp với sự phát triển khcủa nền kinh tế, thu cân đối ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12/2019, toàn ngành đạt xấp xỉ 1,55 triệu tỷ đồng, vượt 138.200 tỷ đồng (tăng 9,79%) so với dự toán. Trong đó, thu nội địa vượt 100.200 tỷ đồng (tăng 8,5%), thu từ dầu thô vượt 11.700 tỷ đồng (tăng 26,1%), thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25.300 tỷ đồng (tăng 13,4%) so với dự toán.

Như vậy, tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP (trong khi mục tiêu tương ứng trong cả giai đoạn 2016-2020 là 23,5% GDP và 21% GDP).

Đặc biệt, phân tích từ báo cáo chỉ ra, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước có sự chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, khi mà tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân (giai đoạn 2011-2015) lên trên 82% năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% (giai đoạn 2011-2015) xuống còn khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn trên xuống còn 13,9% năm 2019.

Theo ông Dũng, để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 3/1/2020 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước năm 2020.

"Bộ cũng ban hành Quyết định số 17/QĐ-BTC ngày 3/1/2020 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ với 4 nhóm giải pháp với 89 sản phẩm đầu ra, trong đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Phối hợp với các bộ, ngành cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế để năm 2020 đạt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lên 7-10 bậc và nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới lên 5-10 bậc," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục