Theo Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành triển khai 54 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo kế hoạch Chính phủ giao.
Cụ thể, lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm 22 dịch vụ công; lĩnh vực địa chất và khoáng sản gồm 4 dịch vụ công; lĩnh vực đất đai có 2 dịch vụ công.
Bên cạnh đó là 13 dịch vụ công lĩnh vực tài nguyên nước; 6 dịch vụ công lĩnh vực biển và hải đảo; 5 dịch vụ công thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ; 1 dịch vụ công lĩnh vực khí tượng thủy văn; 1 dịch vụ công lĩnh vực viễn thám.
Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với 2 nhóm gồm nhóm các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhóm các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ gồm 13 thủ tục thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường với 3 dịch vụ công; lĩnh vực địa chất và khoáng sản với 4 dịch vụ công; lĩnh vực đo đạc và bản đồ 1 dịch vụ công; lĩnh vực khí tượng thủy văn 1 dịch vụ công; lĩnh vực tài nguyên nước 3 dịch vụ công và 1 dịch vụ công thuộc lĩnh vực khác...
Cụ thể, đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, một số dịch vụ đặt ra mục tiêu hoàn thành trong tháng 7/2021 là đăng ký tiếp cận nguồn gene, cấp giấy phép tiếp cận nguồn gene.
Các thủ tục gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản sẽ có thời hạn hoàn thành là tháng 8/2021; thủ tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản có thời hạn hoàn thành là tháng 9/2021.
Một số dịch vụ khác như chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối phó với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; xin phép trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài có lộ trình hoàn thành vào tháng 10/2021.
Dịch vụ khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường có lộ trình hoàn thành vào tháng 12/2021.
Các dịch vụ có lộ trình hoàn thành trong tháng 6/2021 như đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; nhóm dịch vụ liên quan đến thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép liên quan đến môi trường; cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ...
[Chuyển đổi số: Hướng đi mới thích ứng với đại dịch COVID-19]
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục đã xây dựng dự thảo Chương trình Chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về Khung Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cục đã hoàn thành và đưa vào triển khai 107 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 53 dịch vụ công mức độ 3, 54 dịch vụ công mức độ 4, đạt 50,5%; hoàn thành tích hợp hệ thống Một cửa điện tử, Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Văn phòng Chính phủ; tích hợp, cung cấp 38 thủ tục hành chính (trong đó có 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đạt 40,9%, vượt mức chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Cục phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, rà soát, tái cấu trúc quy trình, xây dựng giải pháp kỹ thuật triển khai các dịch vụ công thiết yếu; phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) thống nhất giải pháp kết nối, tích hợp thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính nói trên.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường Lê Phú Hà cho biết, năm 2021, Cục tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các quyết định của Bộ và các đề án, dự án về phát triển chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số đã được phê duyệt; thực hiện chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường trong bối cảnh chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đạt được chỉ tiêu đến năm 2025, toàn ngành cơ bản vận hành trên nền tảng số; phương thức làm việc của ngành dựa vào phân tích, xử lý thông minh dữ liệu tổng hợp, đa ngành, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, Cục tập trung rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, gồm các công tác chính như: triển khai chính phủ điện tử; chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, Cục phấn đấu xây dựng Thông tư ban hành quy định kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về công tác thu nhận, lưu trữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường.
Đây là văn bản quy phạm được kỳ vọng tổng hợp, thay thế cho khoảng 8 thông tư liên quan, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thu nhận, lưu trữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu cho các đơn vị liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là các sở tài nguyên và môi trường trên cả nước.
Cùng với đó, Cục triển khai xây dựng các hệ thống, các nền tảng số ứng dụng các công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu lớn thông minh, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, ra quyết định, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ công hiệu quả, minh bạch./.