Ngành Thông tin và Truyền thông cán mốc hơn 3,74 triệu tỷ đồng trong năm 2023

Năm 2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông)
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Sáng 29/12 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và Triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.

Doanh thu toàn ngành ước đạt 3,7 triệu tỷ đồng

Năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Năm 2023, công cuộc Chuyển đổi Số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ Số, Kinh tế Số, Xã hội Số vừa hình thành các doanh nghiệp Công nghệ Số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới.

Hoạt động Bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của Thương mại Điện tử góp phần thúc đẩy Kinh tế Số. Năm 2023, doanh thu dịch vụ Bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022. Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023 (từ nhóm 5 lên nhóm 6; nhóm 10 là nhóm cao nhất).

Đối với ngành Viễn thông, tổng doanh thu ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023.

Công nghiệp Công nghệ Số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực này đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp Công nghệ Số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Phát triển Công nghiệp Công nghệ Số, đưa công nghệ Make in Viet Nam vào mọi mặt của đời sống xã hội.

vnp-bo-thong-tin-va-truyen-thong-6-2320.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Về lĩnh vực Xuất bản, năm 2023 quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt trên 102 tỷ đồng, tăng 2 lần so với 2022 (52,3 tỷ); ước đạt trên 40 triệu bản sách nghe, tăng 25% so với năm 2022. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 40,3%, vượt 20% so với kế hoạch; Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm ước đạt 4.600, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%).

Đặc biệt, năm 2023, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Sau 14 năm, ngành Thông tin và Truyền thông lại có được 2 luật được ban hành trong vòng một năm.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, coi truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hình thành bộ máy, nguồn lực cho công tác này.

2024 sẽ là năm phổ cập Hạ tầng Số

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm 2020 là khởi động; năm thứ 4 - 2023 là Năm dữ liệu Số và đến lúc đủ điều kiện để Chuyển đổi Số Quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ Kinh tế Số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động. Năm 2024 sẽ là năm phổ cập Hạ tầng Số, phổ cập các thành tố nền tảng của Chuyển đổi Số, phát triển các Ứng dụng Số để phát triển Kinh tế Số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Hạ tầng Số của Việt Nam dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy Chuyển đổi Số Quốc gia, phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số.

vnp-bo-thong-tin-va-truyen-thong-7862.jpg
(Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa Chuyển đổi Số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 2024 dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. "Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không cần đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất là phải có ít nhất 70% người dân sử dụng. Năm 2023, một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất đã được thực hiện; thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ trong 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ Điện tử, chính thức bắt đầu thực hiện Chính phủ Số tại Việt Nam."

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo.

Theo ông, AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại. Vậy nên, việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay 120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Và, số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Do vậy, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ.

Ông Hùng cũng khuyến nghị năm 2024 các Bộ, ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục