Ngày 18/9, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Đình Viễn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long) cho biết, đơn vị này cùng với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp tổ chức lễ hợp long cầu Vàm Cống vào sáng 29/9 tại vị trí hợp long nhịp chính của cầu và sẽ chính thức thông xe vào cuối tháng 12.
Cầu Vàm Cống được khởi công xây dựng ngày 10/9/2013, bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (Cần Thơ).
Dự án có tổng chiều dài gồm cả đường dẫn là 5,75km; trong đó, riêng phần cầu thiết kế dạng dây văng dài 2,97km, phần bắc qua sông dài 870m, chiều rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách… được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ.
Theo ông Nguyễn Đình Viễn, tính đến nay công trình xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. Đến ngày 31/11 sẽ hoàn thành phần xây dựng cầu Vàm Cống và ngày 31/12 sẽ hoàn thành luôn đường dẫn 2 bên cầu và sẽ chính thức thông xe cầu Vàm Cống.
Cũng theo ông Viễn, cầu Vàm Cống có khẩu độ tương đương cầu Cần Thơ, công trình nối tỉnh Vĩnh Long với thành phố Cần Thơ, nhưng hiện đại hơn cầu Cần Thơ do nhịp dẫn của cầu được làm bằng thép.
Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng vốn đầu tư hơn 270 triệu USD (tương đương 5.687 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Việc cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được thông xe vào cuối năm nay sẽ kết nối tuyến giao thông đường bộ huyết mạch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang.
Khi đó, việc di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến đường N2 về An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành trong năm 2018./.