Từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Rằm tháng Giêng hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Thơ Việt Nam. Suốt 20 năm qua, sự kiện không chỉ là chốn tao ngộ của các thi sỹ và công chúng yêu thơ mà còn tôn vinh nền thi ca Việt Nam, bồi đắp tâm hồn, giá trị nhân văn, vẻ đẹp tinh thần của một dân tộc.
Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 lại “lỗi hẹn” với công chúng ở sân thơ Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Song, trước những khó khăn do đại dịch, tinh thần của các nhà thơ vẫn hết sức lạc quan. Họ vẫn kiên cường sáng tạo với mong muốn tôn vinh những giá trị của thơ và người làm thơ, qua đó, lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca, của văn hóa dân tộc vào mọi mặt đời sống.
Linh hoạt trực tuyến và trực tiếp
Từ đầu năm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi thư đến hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 với chủ đề “Hãy sống và hy vọng.”
Trong thư, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn, nhiều thách thức và cả mất mát đối với đất nước bởi đại dịch COVID-19. Nhưng tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là tình yêu thương đồng loại, là sự dâng hiến cho cộng đồng, là sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân cho sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam vào một tương lai tốt đẹp hơn.”
Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa thể tổ chức Ngày Thơ lần thứ 20 với hình thức tập trung tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám mà sẽ tổ chức bằng các hình thức khác trên các phương tiện cho phép. Như vậy, đây là năm thứ ba Ngày Thơ Việt Nam không thể diễn ra trực tiếp tại Hà Nội.
Ở một số địa phương, các hội văn học nghệ thuật vẫn tổ chức sự kiện này ở quy mô phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đáng chú ý là sự kiện kép Ngày Thơ Việt Nam và Ngày Văn nghệ sỹ được tổ chức chiều 15/2 tại Đồng Nai.
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch, song các tác giả vẫn luôn có cách lan tỏa tác phẩm của mình như đưa bài lên mạng xã hội, tham gia các cuộc giao lưu trực tuyến. Trong năm qua, đã có hơn 1.000 tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời.
“Trong tình hình mới, hoạt động văn hóa nghệ thuật đang dần được phục hồi, gửi gắm nhiều kỳ vọng của văn nghệ sỹ. Nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam và Ngày Văn nghệ sỹ Đồng Nai năm nay, hội sẽ kết nạp thêm các hội viên mới là các tác giả trẻ. Đây là tín hiệu vui đầu Xuân, cho thấy sự kế thừa của thế hệ trẻ, từ đó góp phần phát triển hơn văn học, nghệ thuật Đồng Nai trong thời gian tới,” bà Hoàng Ngọc Điệp nói.
[Ngày thơ Việt Nam: Chắp cánh tâm hồn Việt]
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chuyển kinh phí dự trù của Ngày Thơ Việt Nam sang tổ chức cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng,” viết về lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng quyết định này xuất phát từ điều kiện thực tế. Bà cho rằng khi nào đời sống thật an toàn thì hội sẽ tổ chức Ngày thơ trực tiếp thật hoành tráng cũng chưa muộn, vì đây là sự kiện thường niên.
Ngoài ra, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên đang tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề “Hãy sống và hy vọng,” Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức ngày hội thơ trên núi Nhạn. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế có hai đêm thơ vào 14-15/2 với chủ đề “Thơ Huế và di sản,” một nhóm các nhà thơ trẻ tổ chức đêm thơ online và tọa đàm "Thơ ích gì cho chúng ta?"...
Các sự kiện được rút gọn hơn so với trước đây, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch, nhưng vẫn có dấu ấn để mọi người nhớ đến Ngày Thơ Việt Nam.
Thơ ca trong bình thường mới
Trước sự linh hoạt trong khâu tổ chức tại các địa phương, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng tình thế khó khăn này đã cho thấy sức mạnh của thi ca ở không gian rộng lớn hơn, đó là sức lan tỏa trong mỗi con người yêu thơ, trải dài trên khắp cùng đất nước…
Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định Việt Nam là một dân tộc đặc biệt. Thơ ca luôn vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mất mát, đau thương, hay niềm vui, hy vọng.
Ông đánh giá rằng hai năm qua chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thơ ca lại có vẻ phát triển và nở rộ hơn. Trên mạng xã hội, những vần thơ lan tỏa mạnh mẽ, có đời sống phong phú. Không chỉ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà những sinh viên, trí thức, người lao động… cũng bước vào thế giới này, mượn thơ để bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình. Đặc biệt, có những bài thơ, chùm thơ, thậm chí có cả những trường ca về đề tài phòng, chống dịch, nói về con người Việt Nam, bản lĩnh, thái độ sống, cách hành xử của mỗi người khi đối mặt với đại dịch.
“Chúng ta hoàn toàn có thể livestream đọc thơ, đăng tải những bài thơ lên mạng xã hội vào đúng ngày Rằm tháng Giêng như một cách sẻ chia tình yêu với thơ ca, đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn cũng như làm cho những người yêu thơ cảm thấy ấm lòng hơn. Tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn nữa những người yêu thơ có thể tiếp cận ngày một gần hơn với thơ ca dân tộc,” ông chia sẻ.
Nhà thơ trẻ Lữ Mai đồng tình với quan điểm này. Chị cho rằng tuy Ngày Thơ tại Hà Nội không được tổ chức tại một không gian cụ thể nhưng với những tiện ích công nghệ, tất cả mọi người đều có thể chia sẻ những câu chuyện về thơ ca trên nền tảng các mạng xã hội. Và, đây cũng là cách thức để khẳng định ngày thơ đã đi vào trong đời sống thường nhật, trong văn hóa thường ngày.
Thực tế, năm 2021, nhà thơ Hữu Việt đã khởi xướng một livestream đọc thơ dưới gốc đa cổ thụ ở 71 Hàng Trống để các nhà thơ của báo Nhân dân và đồng nghiệp bên ngoài tham gia giao lưu. Cuộc giao lưu ấy diễn ra thật ấm áp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã bất ngờ ghé qua và đọc những bài thơ về mùa Xuân.
Nhà thơ Lữ Mai tham dự Ngày Thơ Việt Nam từ khi còn là một sinh viên đại học. Những người viết trẻ như Lữ Mai thường ra sân thơ ở Văn Miếu từ chiều hôm trước để chuẩn bị cho sự kiện.
“Tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp ngày đó. Các tác giả trong ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tự chuyển từng cây đào, chậu quất mượn của công ty cây xanh Hà Nội, tự sắp xếp từng góc thơ để sáng ngày mai tất cả mọi người có được ngày hội trọn vẹn,” Lữ Mai nhớ lại.
Chị cho rằng mỗi năm, dù ngày thơ được tổ chức trực tiếp hay trực tuyến thì các nhà thơ cũng luôn có những cách riêng để chào mừng.
“Không được tham gia vào một ngày hội đúng nghĩa là điều hơi đáng tiếc, có thể là hụt hẫng với nhiều người, song tôi cho rằng những người viết có ý thức, trách nhiệm và tình yêu với thơ ca thì sẽ luôn có sự hưởng ứng riêng và không kém phần ý nghĩa,” chị bộc bạch./.