Ngày thơ Xuân Quý Tỵ

Ngày thơ Xuân Quý Tỵ hướng tới tuổi trẻ và Tổ quốc

Ngày thơ Xuân Quý Tỵ đã trở thành điểm hẹn văn hóa cho những người yêu thơ, lễ hội đặc biệt trong lòng trí thức trẻ Việt Nam.
Trống hội đã điểm, cờ thơ đã được kéo lên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc,” ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 năm nay là sân chơi ý nghĩa cho các nhà thơ trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng. Với những cảm thức thiêng liêng về Tổ quốc được thể hiện trong một không gian và thời gian trang trọng như vậy, ngày thơ Xuân Quý Tỵ đã trở thành điểm hẹn văn hóa cho những người yêu thơ, một lễ hội đặc biệt in dấu ấn đậm nét trong lòng trí thức trẻ Việt Nam. Âm vang hồn núi sông Đặt chân vào cổng Tam quan của Văn Miếu, dù cố nén lòng thì người tham dự vẫn thấy khấp khởi, bồi hồi trước những vần thơ hay được viết trên lụa đỏ thắm được trang hoàng suốt dọc lối vào. Sắc xanh của lá, sắc thắm của lụa và sắc vàng rực rỡ của hoa đan xen, tạo ra không khí rộn rã, tươi vui của một ngày hội, khiến cho ai có mặt cũng thấy như “màu dân tộc sáng bừng”… sân Văn Miếu. Với chủ đề “Mùa xuân-Đất nước,” cả một không gian thơ truyền thống đã được mở ra đầy trang trọng và rộn ràng. Lễ rước thơ mang tên “Rồng rắn lên mây” với sự tham gia của 120 nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã làm sống dậy hào khí dân tộc. Ngày thơ Việt Nam trở thành ngày hội với lọng xanh, những nghi lễ, cách phục trang cổ truyền kết hợp với âm vang của trống rung, cờ thơ, dàn bát âm hùng tráng… “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư…” Lời thơ như sấm truyền vang lên, không gian Văn Miếu như lắng lại… Liền ngay sau đó, màn chúc phúc cầu “quốc thái dân an” và đọc thơ của Đại đức Thích Trường Xuân, trụ trì chùa Long Đẩu (trong quần thể chùa Thầy) cũng đã tạo nên điểm nhấn thú vị cho ngày thơ năm nay.
Ngày thơ Xuân Quý Tỵ hướng tới tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 1

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 thu hút rất đông công chúng tới tham dự (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có mặt tại ngày thơ Việt Nam 2013, bác Nguyễn Hoa (Cầu Giấy) cho biết: “Đã thành thông lệ, năm nào ngày rằm tháng Giêng tôi cũng đưa cháu ngoại đến tham dự ngày hội thơ. Sống trong không khí đó, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn và trân trọn hơn những truyền thống, giá trị tinh thần được đúc kết qua bao thế hệ.” Ngày thơ Việt Nam, như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định là một trong số không nhiều ngày hội của thời đại mới chứ không phải ngày hội truyền thống như đa phần lễ hội ở ta. “Trải qua hành trình 10 năm, từ những thể nghiệm ban đầu, thô sơ và đơn giản, đến nay, ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, thu hút đông đảo các nhà thơ nhiều thế hệ và công chúng yêu thơ cả nước,” nhà thơ nhấn mạnh. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết thêm: Cùng thời điểm khai mạc ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 vang lên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sáng nay, tiếng trống khai hội thơ Xuân Quý Tỵ 2013 cũng đồng thời vang lên tại 100 tụ điểm văn hóa trên cả nước.
Ưu ái giới trẻ
Giới trẻ được coi là chủ thể ở cả hai sân thơ. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là một trong những nét mới của Ngày thơ năm nay. Ban tổ chức đã mời những cây bút trẻ hiện nay làm chủ lực và lựa chọn những tiết mục đặc sắc của sinh viên các trường để trình diễn trong ngày hội chính diễn ra sáng nay, 24/2. Ngày thơ năm nay đánh dấu sự trở lại của Sân thơ trẻ. Toàn bộ khu vực Sân Thái học được ưu tiên cho những gương mặt trẻ.
Ngày thơ Xuân Quý Tỵ hướng tới tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 2
Các bạn trẻ chuẩn bị cho màn thả thơ truyền thống (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, trong hai đêm 13 và 14 tháng Giêng (tức ngày 22 và 23/2), sân khấu Ngày thơ Việt Nam đã sôi nổi với cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ của sinh viên tám trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; hướng tới Ngày thơ Việt Nam năm nay.
Đến với ngày thơ năm nay, những người trẻ tuổi có dịp thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước, với thơ ca và sự mến mộ tài năng của vị lãnh tụ, nhà thơ lớn của dân tộc Hồ Chí Minh qua các phần thi: trình diễn thơ, đọc thơ Bác,... Nổi bật trong số đó, các bạn trẻ đến từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cống hiến cho người yêu thơ một “nhạc phẩm thơ” với giai điệu quan họ mượt mà, êm dịu qua việc phổ nhạc một bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch... Đồng hành cùng những "hạt giống" thơ năm nay là nhóm "Link hương cửu kiếm" gồm chín nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước có những tác phẩm chất lượng, gây tiếng vang trong thời gian gần đây. Họ đã cùng hòa ca với các tiết mục trình diễn của sinh viên các trường đại học trong chủ đề lớn "Tuổi trẻ với Tổ quốc." Bên cạnh đó, mỗi trường đại học tham gia trình diễn trong Ngày thơ năm nay đều có một quán thơ riêng, trưng bày những bài thơ giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và về chính ngôi trường của mình. Bài hát “Bay qua biển Đông” của nhạc sỹ Lê Việt Khánh qua phần trình bày của ban nhạc M4U và tiết mục nhảy hip-hop của nhóm nhảy Mania đã "làm nóng" Sân thơ trẻ 2013 vào sáng ngày Rằm tháng Giêng (24/2). Ca khúc viết trên nền nhạc rock từng “làm mưa làm gió” trong đời sống giới trẻ cách thời gian gần đây vang lên. Những người tham gia biểu diễn gửi vào trong đó lòng yêu nước dạt dào, khí thế mạnh mẽ của những người trẻ ngày hôm nay.
Ngày thơ Xuân Quý Tỵ hướng tới tuổi trẻ và Tổ quốc ảnh 3

Bên cạnh các phần trình diễn thơ, sân thơ trẻ cũng hội tụ nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc (Ảnh:PV/Vietnam+)

Sức trẻ với sự sáng tạo, linh hoạt đã thổi một luồng không khí mới cho ngày hội thơ. Những gương mặt trẻ đến từ các câu lạc bộ thơ, các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội đã đọc lên những vần thơ đầy trăn trở về những vấn đề “nóng” như vấn đề chủ quyền, biển đảo,… Đan xen vào đó là những tiết mục văn nghệ sôi động, giàu màu sắc. Bạn Thanh Hương (Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất bất ngờ và ấn tượng với tiết mục múa của các bạn nữ đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Rất duyên dáng, dịu dàng! Ai bảo con gái khối kỹ thuật là khô khan!” Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: “Với chủ đề ‘Tuổi trẻ với Tổ quốc,’ ngày thơ năm nay đã thu hút sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng,… đông đảo nhất từ trước tới nay. Nhiều tiết mục trình diễn thơ của các câu lạc bộ thơ và của sinh viên các trường đã đạt được tính chuyên nghiệp rất đáng biểu dương.” “Thu hút lớp trẻ chính là cách duy trì ngày thơ Việt Nam phát triển lâu dài,” nhà thơ nhấn mạnh./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục