Nghệ An giúp người khiếm thị tiếp cận với sách báo

Với tinh thần “sách đi tìm người,” Thư viện Nghệ An tạo điều kiện cho người khiếm thị tiếp cận với thông tin, sách báo ngay tại gia đình.
Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho những người khiếm thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giúp họ có cơ hội tiếp cận thông tin, Thư viện tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng việc phục vụ sách, tài liệu cho bạn đọc là người khiếm thị ngay tại trụ sở thư viện cũng như phục vụ lưu động.

Hiện nay, Hội người mù tỉnh Nghệ An có 2.481 hội viên. Để phục vụ đối tượng bạn đọc đặc biệt này, từ năm 2005, Thư viện tỉnh Nghệ An đã mở phòng đọc riêng dành cho người khiếm thị với nhiều loại sách báo, tài liệu, đĩa CD và đã thu hút được đông đảo bạn đọc là người khiếm thị đến đọc và mượn sách.

Với tinh thần “sách đi tìm người,” Thư viện Nghệ An tạo điều kiện cho người khiếm thị tiếp cận với thông tin, sách báo ngay tại gia đình bằng việc phục vụ lưu động của nhân viên thư viện với sự phối hợp giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh, huyện. Từ đó, bạn đọc khiếm thị có nhu cầu tiếp cận thông tin, mượn tài liệu gì chỉ cần đăng ký qua Email hoặc gọi điện trực tiếp đến phòng phục vụ của thư viện.

Nếu bạn đọc ở địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận, nhân viên thư viện sẽ luân chuyển tài liệu đến các Hội và cá nhân vào ngày mùng 10 hàng tháng. Bạn đọc ở các huyện, các địa phương vùng sâu, vùng xa có thể thông qua người thân hoặc cán bộ tại Hội người mù huyện để mượn tài liệu theo thời gian phục vụ của Thư viện.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Nghệ An đã có 220 bản sách báo bằng chữ nổi; 840 đĩa CD. Thư viện cũng đã nhận được sự tài trợ của Quỹ FORCE với 2 máy khuếch đại chữ dùng để phóng to tài liệu giúp người khiếm thị có thể đọc rõ ràng hơn và 2 máy đọc sách nói Vitorreader giúp người mù có thể nghe đọc các tài liệu sách nói.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Tú Anh cho biết: Để duy trì và phát triền phong trào đọc sách báo của người khiếm thị, yếu tố đầu tiên là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội người mù và Thư viện.

Bên cạnh đó còn cần có sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ thư viện tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà thư viện gặp phải khi triển khai chương trình này đó là việc đa dạng các "đầu" sách, các loại tài liệu cho bạn đọc bởi chi phí đặt mua sách bằng chữ nổi cho người khiếm thị rất lớn, việc in các sách chữ nổi phải dùng bằng máy móc công nghệ cao và thường phải đặt in với số lượng lớn nhà máy in mới nhận.

Trong thời gian tới, để phong trào đọc sách của người khiếm thị phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cùng với việc tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh, Thư viện tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với Hội Người mù tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi giao lưu theo các chủ đề về lịch sử, về Bác Hồ, các tác phẩm văn học với những câu hỏi bằng chữ nổi do cán bộ thư viện và Hội Người mù tỉnh soạn thảo./.

Tá Chuyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục