“Nghề học” đất Trạng

Hoằng Hoá - nơi việc học được coi là nghề

Nơi việc học được coi là “nghề” như ở Hoằng Lộc, ngày tựu trường là thời điểm “ươm mầm” tài năng để đón thành quả cuối năm thi cử.

Những ngày trước thềm khai giảng, đất học Trạng Quỳnh - tên gọi khác của địa danh xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), náo nức trong thôn ngoài xóm. Ở nơi việc học được coi là một “nghề”, hơn thế nữa là “đạo”, thì ngày tựu trường là thời điểm “ươm mầm” tài năng để đón đợi thành quả cuối năm thi cử.

Trọng khoa hơn trọng hoạn

Từ cầu Hoàng Long xuôi đường đê ven sông Mã theo hướng đông nam chừng 5 km, xa những ồn ã, bụi bặm phố phường, Hoằng Lộc hiện ra dưới rặng dừa xanh mát và những thảm lúa trải đều hai bên đường đi.

Xã Hoằng Lộc có hình thể vuông vức khiến người ta nghĩ rằng vùng đất này như một cái nghiên lớn và con đường từ Hoằng Quang dẫn vào làng như một cái bút đang chấm vào nghiên mực, “dự báo” nơi đây sẽ sản sinh ra nhiều con người đỗ đạt khoa cử.

Trước kia, người dân Hoằng Lộc sống chủ yếu bằng nghề nông, tiểu thủ công truyền thống và “việc học” cũng được người dân Hoằng Lộc quan niệm là một “nghề”: “Trai thời chiếm bảng đề danh/ Gái thời dệt vải vừa lanh vừa tài”. Với miền quê “phát tích” truyện Trạng Quỳnh và truyền thống hiếu học lâu đời, Hoằng Lộc gắn với nhiều tên gọi như “Đất Trạng Quỳnh”, “Đất hiếu học”…

Theo các bậc tuổi cao và sử sách ghi lại, từ thế kỷ XV, Hoằng Lộc đã có truyền thống hiếu học với vị Khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ - đỗ tiến sĩ khoa Tân sửu Hồng Đức thứ 12 (1481). Nền học vấn của xã phát triển gần 5 thế kỷ tiếp theo (XV-XIX), qua các kì thi dưới triều phong kiến, Hoằng Lộc có 12 vị đậu đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng gần 200 hương cống, cử nhân, 140 người đỗ sinh đồ, tú tài.

Gắn với truyền thống hiếu học của Hoằng Lộc là “Bảng Môn Đình”. Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (khoảng cuối thế kỷ XV) và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng làng mà còn là nơi quy tụ, vinh danh những người đỗ đạt thành tài của làng.

Nơi đây có tục lệ “Trọng khoa hơn trọng hoạn” (trọng người đỗ đạt có học vị hơn người phẩm trật, quan tước). Đất Hoằng Lộc còn lưu giữ giai thoại về vị quan có phẩm tước lớn nhưng học vấn không bằng một số vị khác, không đối lại được câu đối làng đưa ra, đành phải “vui lòng” ngồi chiếu dưới theo đúng tục lệ.

Tại đình Bảng Môn còn có bức đại tự lớn với dòng chữ “địa linh nhân kiệt” đề cao truyền thống văn hiến của làng, nhắc nhở kẻ sĩ giữ vững khí tiết: “Địa vị quân tử hương, thanh danh sở tụy/ Nhân tại văn hiến ấp, phong tiết từ trì”. Tạm dịch: “Đất sinh người quân tử tiếng tăm tụ hội/ Người ở làng văn hiến khí tiết vững bền”.

Trong lịch sử Hoằng Lộc có nhiều người đỗ đạt, nhiều vị khoa bảng, nổi tiếng về tài năng, nhân cách, chính trực, thanh liêm. Trong đó phải kể tới Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Nguyễn Cẩn…

Nhắc đến Hoằng Lộc là nhắc tới quê hương của Nguyễn Quỳnh - “Trạng Quỳnh” trong dân gian - con người tài ba được xã hội đương thời xếp vào Tràng An tứ hổ. Ông là một nho sinh lao đao nơi trường ốc nhưng có nhân cách lớn lao đã cùng nhân dân vạch trần bộ mặt thật của bọn thống trị, nói lên tiếng nói phản phong mạnh mẽ, quyết liệt.

Từ thế kỷ XIX, giới nho sĩ Hoằng Hoá đã lập văn từ thờ Khổng Mạnh và những văn nhân của huyện ngay trên quê hương Hoằng Lộc.

Mạch nguồn hiếu học

Qua thời gian, truyền thống hiếu học vẫn như một mạch nguồn xuyên suốt nhiều thế hệ người dân Hoằng Lộc. Các trường học, cấp học nơi đây luôn duy trì phong trào dạy tốt học tốt. Thế hệ học sinh Hoằng Lộc nối tiếp nhau đều ý thức được truyền thống hiếu học là tài sản quý mà lớp người đi trước đã truyền lại.

Phấn đấu và đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài, các trường ở địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Năm 1997, trường tiểu học hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; trường trung học cơ sở được công nhận chuẩn quốc gia. Hơn 10 năm trở lại đây, hàng năm, Hoằng Lộc có từ 25-30 em đỗ vào đại học.

Riêng năm 2008, con số này lên tới 52 em. Đáng tự hào hơn cả là từ năm 2000, xã có em Nguyễn Phi Lê đạt huy chương bạc toán quốc tế, Bùi Lê Na - huy chương vàng Vật lí châu Á-Thái Bình Dương, Hoàng Thị Loan - giải nhất môn văn quốc gia, Bùi Thanh Huyền - giải nhất viết chữ đẹp toàn quốc.

Hiện xã có 8 giáo sư, phó giáo sư, 40 tiến sĩ, 30 thạc sĩ, 600 đại học, ở lĩnh vực công tác nào cũng đều có nhiều cống hiến hết mình cho đất nước.

Có thể kể tới những vị tên tuổi: Nhà giáo ưu tú-Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng nổi danh với xây dựng đồ án thiết kế các công trình thủy lợi lớn; Phó giáo sư Nguyễn Bính đã từng cầm súng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa. Ông đã cùng nhóm các nhà khoa học lập phương án thiết kế và chế tạo thành công thiết bị phát xung điện làm vô hiệu hóa hoặc gây nổ thủy lôi có điều khiển và bom từ trường của Mỹ. Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xinh có nhiều công trình nghiên cứu về lí luận và lịch sử âm nhạc dân tộc.

Về Hoằng Lộc, những gia đình có 2, 3 con học đại học là phổ biến. Những gia đình có 4,5 con đại học và trên đại học thường được bà con nhắc đến như tấm gương noi theo.

Ở Hoằng Lộc, người dân nhắc nhiều đến gia đình cố trưởng trạm y tế Nguyễn Thế Hồng có 4 con là tiến sĩ, 2 con thạc sĩ. Gia đình thầy giáo Nguyễn Huy Thanh (thôn Đồng Mẫu) có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 2 đại học; gia đình cụ Nguyễn Ninh (thôn Bắc Nam) có 4 con đại học, gia đình ông Bùi Khắc Vận (thôn Đông Phú) có 1 thạc sĩ, 4 đại học.

Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, Hội khuyến học Hoằng Lộc đã tích cực vận động các gia đình, nhà hảo tâm, con em đang học tập sinh sống trên mọi miền Tổ quốc tham gia xây dựng quỹ khuyến học.

Từ nguồn quỹ huy động của hội khuyến học xã và chi hội khuyến học các dòng họ, thôn làng đã tổ chức trao thưởng cho các em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi đỗ đạt. Những món quà tuy không lớn nhưng đã kịp thời động viên, như một lời nhắn nhủ thế hệ học sinh Hoằng Lộc về truyền thống hiếu học mà cha ông đã dựng xây, vun đắp./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục