Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ được trang chủ Google tôn vinh

Hình ảnh Google Doodle tôn vinh Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ nhân dịp 10 năm được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới do nghệ sỹ Camelia Pham minh họa, thể hiện các nghệ sỹ biểu diễn đờn ca tài tử.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ được trang chủ Google tôn vinh

Ngày 5/12/2023, tròn 10 năm Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể của Nhân loại, trang chủ Google đã tôn vinh loại hình nghệ thuật này.

Hình ảnh Google Doodle tôn vinh Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ do nghệ sỹ Camelia Pham minh họa, thể hiện các nghệ sỹ đang biểu diễn đờn ca tài tử.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ,vừa mang tính bác học,vừa mang tính dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.

Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.

Về trang phục, những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau nên thường chỉ mặc các loại thường phục khi tham gia trình diễn. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn.

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu.

Đối với hình thức âm nhạc, vai trò của các ca sỹ và nhạc sỹ đều bình đẳng. Ca trù hát và người ca (bài hát truyền thống từ miền Bắc và miền Trung) là phụ nữ, trong khi đờn ca tài tử bao gồm các ca sỹ nam nữ và họ có vai trò bình đẳng.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ là thể loại nhạc thính phòng đặc thù của miền Nam, cũng giống như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung.

Loại hình âm nhạc này không chỉ được trình diễn ở các lễ hội mà còn được trình diễn sau khi thu hoạch mùa màng. Người ta có thể biểu diễn chơi dưới bóng mát của cây, trên con thuyền trên sông hoặc trong đêm trăng sáng.

ttxvn-0512donca2-6039.jpg
Biểu diễn Đờn ca Tài tử Nam Bộ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Theo các bậc thầy trong nghề, Đờn ca Tài tử Nam Bộ hình thành vào cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất phát từ những nhạc sỹ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống Ca Huế.

Trên đường đi, họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó Ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng.

Có người nói, khi vào đến miền Nam, Đờn ca Tài tử Nam Bộ không còn giữ nguyên chất Ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới.

Những con người tháo vát, đầy sáng tạo tuy đã tìm thấy một cuộc sống an lành khi đến với vùng đất màu mỡ, nhưng do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên trong các điệu, các hơi của đờn ca tài tử thường thích những điệu có phảng phất nỗi u buồn.

Trong khi phong cách miền Trung vẫn giữ theo truyền thống một cách chặt chẽ thì ở miền Nam lại phóng khoáng và bay bướm, nét nhạc cũng như tiết tấu thay đổi tùy lúc, tùy người.

Thật ra “tài tử” có nghĩa là người có tài ("dập dìu tài tử giai nhân," "Tài tử giai nhân tế ngộ nan"). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai. Người Đờn ca tài tử khi nào thích thì cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hoà đàn để vui chơi và để cho người mộ điệu thưởng thức.

Trước đây cũng như bây giờ, người đàn tài tử “chính thống” hễ vui thì đàn chơi còn không hứng thì thôi, khó ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà trình độ nghệ thuật của đàn tài tử lại thấp. Muốn trở thành người đàn tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.

Nhạc khí dùng trong Đờn ca Tài tử Nam Bộ là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh. Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường song tấu đàn kìm và đàn tranh với tiếng thổ pha tiếng kim, hoặc tam tấu (kìm, tranh, cò). Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc. Và đặc biệt là song lang (nghĩa là hai thanh tre già – có người gọi là song loan) để đánh nhịp.

Ngoài ra còn có các nhạc khí khác như đờn sến, đờn gáo, đờn độc huyền, đờn tỳ bà nhưng ít thông dụng. Từ khoảng năm 1930, có thêm những nhạc khí phương Tây như violon, mandoline khoét phím, guitare Tây Ban Nha được chỉnh lại, thường gọi là guitare phím lõm.

Khác với Ca trù miền Bắc hay Ca Huế miền Trung mà lời ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong Đờn ca Tài tử Nam Bộ, dàn nhạc lại được chú ý hơn tiếng ca.

Người nghe chú trọng vào chữ đàn nhấn có gân, cách sắp chữ, sắp câu duyên dáng, cách xuống câu đến xang, hò, xề… ngọt ngào uyển chuyển; cách đàn câu thòng, câu nhồi, câu lợi bay bướm, đa dạng.

Tiếng ca của Đờn ca Tài tử Nam Bộ cũng không kém phần quan trọng. Nghệ thuật trong Đờn ca tài tử là khi “rao” khác hẳn với những bài “dạo” của miền Trung luôn có nét nhạc cố định, câu “rao” theo truyền thống miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu người học đàn theo cách của thầy, nhưng khi đạt đến mức nghệ thuật khá cao thì được phép sáng tạo những câu rao của riêng mình.

Đặc biệt cách phát triển và vận hành giai điệu trong Đờn ca Tài tử Nam Bộ tuân theo những nguyên tắc của dịch lý, một triết lý sống trong xã hội người Việt nói riêng và người vùng Đông Á nói chung.

Trong đàn tài tử thì nét nhạc, chữ nhấn, chữ chuyền của mỗi câu trong bài bản có thể thay đổi tuỳ trường phái hay người đàn, nhưng lòng bản không thể thay đổi, do vậy dù cho người đàn có thêm chữ chuyền, có đổi nhịp nội ra nhịp ngoại thì người nghe vẫn nhận ra bản đàn.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ có 20 bài tổ, tuy không phải người Đờn ca tài tử nào cũng thuộc đầy đủ hay khi hoà đàn cũng không bắt buộc phải chơi hết 20 bài, nhưng các nghệ sỹ đều phải biết tên các bài đó, bao gồm 6 bài Bắc, 3 bài Nam, 4 bài Oán và 7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò).

Ngoài ra còn có rất nhiều bài bản khác được dùng, trong đó Vọng cổ 32 nhịp là thông dụng nhất. Trong một chương trình hòa nhạc Đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài Vọng cổ.

ttxvn-0512donca3-9780.jpg
Biểu diễn Đờn ca Tài tử Nam Bộ. (Nguồn: TTXVN)

Nhắc đến Đờn ca Tài tử Nam Bộ người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung.

Với người dân Nam bộ, Đờn ca Tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ thực sự là một hiện tượng lớn của âm nhạc Việt Nam trong thời cận-hiện đại. Ở đó không chỉ có sự kế thừa, gìn giữ trong tinh thần tự tin, tự hào với di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, mà còn có sự tiếp nối và phát triển với sức năng động lớn lao - không ngừng đổi mới, tiếp thu và dân tộc hóa những yếu tố mới để thích ứng với thời đại.

Đó không chỉ là một sản phẩm của văn hóa và con người Việt Nam, mà còn là một mẫu mực điển hình của sức sống Việt Nam trong thời cận-hiện đại, một tấm gương sáng cho muôn đời sau, không chỉ với nhạc cổ truyền mà cả giới nhạc mới, trong việc kế thừa, bảo tồn và phát triển để thích ứng với thời đại mới.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ hiện phát triển mạnh ở ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục