"Làm mới" xiếc Việt

Nghệ thuật xiếc Việt với hành trình "làm mới" mình

Không chỉ còn là các tiết mục sử dụng kỹ xảo, xiếc Việt đang nỗ lực tạo ra các chương trình nghệ thuật tổng hợp để giữ chân khán giả.
Thời gian qua, trong xu thế xã hội hóa, xiếc Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể với  những chương trình mang “hơi thở” nghệ thuật mới mẻ. Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc được phối khí theo lối đương đại, nghệ thuật sắp đặt…  với những đạo cụ lạ mắt như tre nứa, rơm rạ và được đặt trong một vở kịch có nội dung cụ thể.

Hiệp hội Xiếc thế giới đã chính thức chọn ngày 17/4 hàng năm là Ngày Xiếc thế giới. Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ xiếc có ngày hội của riêng mình, vì thế Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức Gala Xiếc vào hai ngày 12-13/4 để chào mừng sự kiện trên.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Vũ Ngoạn Hợp xung quanh những vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật xiếc Việt Nam.

Ngoài vấn đề bảo tồn truyền thống đã có, “nâng cấp” xiếc là một đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Liên đoàn xiếc đã chọn cách “làm mới” mình thế nào?

Giám đốc Vũ Ngoạn Hợp: Bất cứ một loại hình nghệ thuật nào muốn phát triển được đều cần có khán giả. Để khán giả đến với nghệ thuật xiếc cần phải đa dạng hóa các phong cách, phương pháp biểu diễn, đưa thêm nhiều yếu tố nghệ thuật phụ trợ khác, làm nên một chương trình xiếc mới mẻ hơn so với trước đây.

Xiếc truyền thống thường chỉ dùng kỹ thuật, kỹ xảo và từng tiết mục đơn lẻ, nếu cứ dùng mãi dễ dẫn đến sự nhàm chán cho khán giả. Để thay đổi điều đó, các chương trình xiếc vẫn dùng kỹ xảo, kỹ thuật nhưng có thêm nội dung, chủ đề tư tưởng, phối kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác, tạo nên một "bữa tiệc" nghệ thuật thịnh soạn hơn mà bây giờ người ta gọi là "xiếc mới".

Điều đó đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ sẽ gặp không ít khó khăn?


Giám đốc Vũ Ngoạn Hợp: Vì họ phải đa năng hơn, đa diện hơn, phải biết cả diễn, chơi nhạc, múa, hóa trang… trong công tác chuẩn bị các chương trình biểu diễn. Nói chung phải là một nghệ sĩ tổng hợp.

Vì thế, bây giờ đến xem “xiếc mới”, khán giả có thể thấy diễn viên xiếc múa như diễn viên múa, vở diễn lại bao hàm một nội dung, chủ đề nào đó có tính triết lý, giáo dục, giải trí…như một vở kịch.

Tuy nhiên, liều lượng của các yếu tố xiếc đó phải chia sẻ với nhau vì nếu không sẽ thành bộ môn khác. Bởi vậy, tuy làm "xiếc mới," nhưng kỹ thuật, kỹ xảo vẫn phải được nâng cao, vẫn phải thường xuyên tập luyện, đòi hỏi người nghệ sĩ ngày càng tập trung cao độ hơn, chuyên nghiệp hơn nếu muốn tồn tại. Muốn xiếc mới phát triển thì kỹ thuật cũng phải phát triển theo.

Các nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc vốn đã quen với diễn xiếc truyền thống, vậy có mất nhiều thời gian để tiếp cận với "xiếc mới ?"

Giám đốc Vũ Ngoạn Hợp: Bản chất của nghệ sĩ xiếc là luôn luôn muốn chinh phục cái mới, cái khó nên họ rất hăng say. Các nghệ sĩ của tôi cần thời gian để thấm dần nhưng đã nhập cuộc được ngay, có thể mới đầu chưa thật xuất sắc.

“Làng tôi” là một chương trình "xiếc mới" mà lần đầu tiên nghệ thuật xiếc kết hợp cùng âm nhạc dân tộc phối khí theo lối đương đại, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật hình thể cùng thể hiện với những đạo cụ lạ mắt như tre nứa, rơm rạ và được đặt trong một vở kịch có nội dung cụ thể.

Với “Làng tôi”, chúng tôi đã ký hợp tác ba năm, từ 2009 đến 2011, với Hội đoàn Scène de la Terre (Pháp) và trong thời gian đó lịch diễn đã kín. Ngoài ra, với xiếc truyền thống, vừa rồi chúng tôi cử một tiết mục đi dự Liên hoan Xiếc quốc tế cũng đoạt giải vàng và giải khán giả ưa thích.

Điều đó có nghĩa chúng tôi đang đi trên hai chân. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng những thành công như thế mới chỉ là bước đầu. Loại hình này mới chỉ thành công với “Làng tôi” và “Alibaba”, còn những cái khác mới đang manh nha, đang phải tập luyện… Nhưng tôi tin chúng tôi đang đi một con đường đúng.

Những năm vừa qua Liên đoàn Xiếc đã hội nhập với thế giới như thế nào, thưa ông?


Giám đốc Vũ Ngoạn Hợp: Trong những năm vừa qua, bình quân chúng tôi biểu diễn ở nước ngoài khoảng 1.000 buổi mỗi năm.

Lợi thế của xiếc là không có rào cản về ngôn ngữ nên có thể hội nhập với thế giới rất tốt. Các ngành nghệ thuật khác cũng có thế mạnh của họ nhưng tôi có thể khẳng định ngoài hội họa thì xiếc là sản phẩm nghệ thuật thứ hai có thể đưa ra “bán” sòng phẳng với thế giới.

Vậy, anh em nghệ sĩ trong “ngôi nhà” của ông đang có đời sống thế nào?


Giám đốc Vũ Ngoạn Hợp: Quả thật đời sống anh em nghệ sĩ chúng tôi còn khiêm tốn, nhưng so với đời sống nghệ sĩ xiếc những năm trước đây thì bây giờ cũng đã được cải thiện nhiều, anh em dần dần đã yên tâm trụ lại với nghề.

Cảm ơn ông./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục