Nghi phạm 11/9 không thể hầu tòa vì vấn đề tâm thần do bị CIA thẩm vấn

Phán quyết của tòa án quân sự, về việc một nghi phạm vụ 11/9 không đủ điều kiện hầu tòa, là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ thừa nhận “chương trình tra tấn của CIA gây tổn hại tâm lý sâu sắc và kéo dài."
Nghi phạm 11/9 không thể hầu tòa vì vấn đề tâm thần do bị CIA thẩm vấn ảnh 1Hàng rào bên ngoài nhà tù Guantanamo, nằm trong căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một bị cáo trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 đã được phán quyết không đủ điều kiện sức khỏe để hầu tòa, sau khi Hội đồng Y tế của quân đội chẩn đoán người này mắc chứng loạn thần. Bị cáo mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý sau khi trải qua quá trình "thẩm vấn tăng cường" do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành nhiều năm trước.

Đại tá Matthew McCall, một thẩm phán quân sự, đã đưa ra phán quyết trên vào ngày 22/9 vừa qua.

Ramzi bin al-Shibh, người Yemen, bị buộc tội giúp sức cho nhóm không tặc trong vụ khủng bố gây rung chuyển nước Mỹ và thế giới, khi những kẻ này chiếm quyền điều khiển 4 máy bay và thực hiện các vụ tấn công tại New York, Washington D.C. và Pennsylvania, khiến gần 3.000 người thiệt mạng vào ngày 11/9/2001.

Sau vụ tấn công kinh hoàng này, Chính quyền Tổng thống Mỹ George W Bush đã phát động “cuộc chiến chống khủng bố” thông qua việc xâm lược Afghanistan và Iraq, thiết lập chương trình thẩm vấn và giam giữ của CIA, đồng thời thành lập nhà tù và ủy ban quân sự đặc biệt tại Guantanamo.

Với phán quyết này, al-Shibh sẽ không bị xét xử cùng với 4 đồng phạm khác cũng tham gia thực hiện vụ khủng bố 11/9. Đến nay, thời gian diễn ra phiên xét xử vẫn chưa được xác định.

Phán quyết của Thẩm phán McCall lưu ý rằng báo cáo tâm lý ghi lại al-Shibh đã có các vấn đề về tâm thần ít nhất từ năm 2004.

Sau khi bị bắt vào năm 2002 tại Pakistan, Al-Shibh bị CIA giam giữ trong 4 năm tại một số địa điểm bí mật trước khi được chuyển tới nhà tù Guantanamo.

Theo lời kể của Al-Shibh, tù nhân này bị treo lên trần nhà, phải đứng liên tục tới 3 ngày trong tình trạng trần truồng không mặc gì ngoài tã lót và bị dội nước lạnh liên tục trong phòng máy lạnh.

Al-Shibh cũng phàn nàn rằng lính canh đã tấn công, khiến bản thân bị đau đớn và không thể ngủ được trong thời gian dài.

Luật sư bào chữa David Bruck cho biết trong phiên điều trần rằng al-Shibh sẽ tiếp tục bị giam giữ và cơ hội tốt nhất để bị cáo này có thể hầu tòa là sau khi điều trị khỏi chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.

[Tổng thống Joe Biden: Mỹ không bao giờ quên vụ khủng bố ngày 11/9]

Các luật sư bào chữa và một điều tra viên do Liên hợp quốc chỉ định cho 5 bị cáo đã lập luận rằng lẽ ra họ phải được điều trị về thể chất và tâm lý sau thời gian bị CIA giam giữ.

Đầu tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ chối phê duyệt hoạt động chăm sóc cho những bị cáo này, sau khi các luật sư bào chữa cho biết đó là điều kiện trong các thỏa thuận nhận tội.

Trước đó, vào ngày 6/9, các thẩm quán quân sự đã kéo dài thời hạn đề nghị không kết án tử hình đối với những nghi phạm thừa nhận có tham gia vào vụ khủng bố 11/9. Đề nghị được đưa ra từ tháng 3/2022, sẽ áp khung hình phạt cao nhất là tù chung thân với các bị cáo.

Nghi phạm 11/9 không thể hầu tòa vì vấn đề tâm thần do bị CIA thẩm vấn ảnh 2Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ, bị tấn công ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Luật sư Bruck cho biết phán quyết hôm 22/9 là lần đầu tiên chính phủ Mỹ thừa nhận “chương trình tra tấn của CIA đã gây tổn hại tâm lý sâu sắc và kéo dài cho những người phải chịu đựng.”

Theo cáo buộc của một số tù nhân, họ phải chịu đựng các biện pháp tra tấn dã man như bị nhấn đầu xuống nước đến mức suýt chết đuối trước khi được kéo lên. Họ cũng bị đánh đập, ép uống thuốc xổ, bị tấn công tình dục và bị bỏ đói, không được phép ngủ.

Ngoài ra, các tù nhân này cho biết họ chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng Mặt Trời ở các điểm giam giữ bí mật và không được tiếp xúc với ai ngoài lính canh hoặc người thẩm vấn, từ khi bị bắt cho đến lúc được chuyển đến nhà tù Guantanamo.

CIA cho biết họ đã chấm dứt chương trình thẩm vấn và giam giữ các nghi phạm vụ 11/9 từ năm 2009.

Một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ cho thấy chương trình “thẩm vấn tăng cường” của CIA không đem lại hiệu quả trong việc thu thập các thông tin hữu ích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục