Nghị quyết HR 672 sai lệch và thiếu khách quan

Việt Nam phản đối Nghị quyết H.RES.672 của Hạ viện Mỹ vì những thông tin nêu trong nghị quyết là thiếu khách quan và sai lệch.
Việt Nam phản đối Nghị quyết H.RES.672 của Hạ viện Mỹ đồng thời khẳng định những thông tin nêu trong nghị quyết là thiếu khách quan và sai lệch.

Ngày 22/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói như trên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 21/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết HR 672 về tự do internet ở Việt Nam.

"Việc Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về một vấn đề thuộc công việc nội bộ của Việt Nam là không phù hợp với thông lệ quan hệ giữa các nước, không phù hợp với quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Mỹ," bà Nga nhấn mạnh.

Theo người phát ngôn, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tại Việt Nam không có ai bị bắt, giam giữ và xét xử vì bày tỏ chính kiến.

Internet được tạo điều kiện thuận lợi và chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như hiện nay, với gần 22 triệu người sử dụng, chiếm hơn 25% dân số, cao hơn mức trung bình ở châu Á (18,17%). Tổ chức Viễn thông Quốc tế (ITU) đã công nhận Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2002-2007.

Quản lý của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực thông tin điện tử đảm bảo lĩnh vực này hoạt động theo đúng pháp luật, phát triển lành mạnh, đóng góp tích cực vào việc trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết về sự ổn định và phát triển của xã hội, của đất nước.

Bà Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ "quan ngại" trước tin ngày 30/9 vừa qua Hạ viện Indonesia đã sửa đổi Luật Thủy sản năm 2004, trong đó cho phép tàu tuần tra được bắn và đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia

"Chúng tôi cho rằng việc xử lý các ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải của Indonesia cần được Indonesia tiến hành trên tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, phù hợp với luật pháp quốc tế, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), các thỏa thuận song phương, tình đoàn kết ASEAN và quan hệ hữu nghị giữa Indonesia với các nước khác, đặc biệt là trong khi giữa Indonesia và một số nước khác chưa phân định được ranh giới các vùng biển," bà nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục