Ngày 12/12, tại Strasbourg, Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi thành lập một nhóm trung gian toàn quyền cấp cao để bắt đầu quá trình đàm phán giữa chính phủ, phe đối lập và các tổ chức xã hội dân sự tại Ukraine nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ý kiến trên được các nghị sỹ châu Âu đưa ra trong nghị quyết tổng kết Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tại Vilnius (Litva) và số phận tương lai của sáng kiến này, trong đó vấn đề trọng tâm là tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine.
Tuy không hài lòng với quyết định của Chính phủ Ukraine tạm ngừng ký kết hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), nhưng các thành viên EP khẳng định hai bên vẫn mở một số kênh tiếp xúc, trong đó có thông qua phái bộ nghị viện.
Họ cho rằng EP nên cử phái bộ đến Kiev càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 19-20/12 tới đây gửi đi một tín hiệu "mạnh mẽ" đến Kiev rằng EU sẵn sàng đối thoại với Ukraine về việc ký hiệp định liên kết.
Ngoài ra, EP còn cho rằng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu phải sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong thực hiện cải cách theo yêu cầu để liên kết. Nghị quyết trên của EP không phải là tối hậu thư và không bắt buộc phải được thực hiện.
Trước đó, thư ký báo chí của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU, Maya Kocijancic khẳng định EU hiện chưa xem xét khả năng áp đặt lệnh trừng phạt Ukraine liên quan tới các cuộc biểu tình dẫn đến đụng độ vừa qua tại thủ đô Kiev, mà chỉ phát đi một tín hiệu rõ ràng để ủng hộ sớm bắt đầu đối thoại chính trị tại đất nước này.
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối quyết định ngừng liên kết với EU đã kéo dài suốt 20 ngày qua, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk đã nêu sáng kiến tổ chức một hội nghị bàn tròn giữa chính phủ và phe đối lập để tìm hướng giải quyết khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong cả hai lần nhóm họp ngày 11 và 12/12, phe đối lập đều không tham dự./.