Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 19/8, đại diện uỷ ban nhân dân một số địa phương tiếp tục đề nghị bổ sung đội ngũ giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc các địa phương được giao biên chế nhưng chậm tuyển dụng.
Thiếu 113.491 giáo viên
Đội ngũ giáo viên là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục nên đây cũng là vấn đề được các tỉnh đặt ra khi phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nêu khó khăn về biên chế giáo viên khi quy mô tăng dẫn đến số biên chế thiếu. Bà Hà kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.
Là tỉnh vùng khó, tình hình thiếu giáo viên ở Điện Biên càng là vấn đề nan giải hơn khi khó thu hút nhân lực. Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho hay năm học 2023-2024, tỉnh còn thiếu khá nhiều giáo viên so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ giáo viên của Điện Biên còn có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Từ thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu chính sách không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó cần áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên; hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.
Bên cạnh vấn đề thiếu giáo viên, ông Bằng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học.
Bên cạnh đó là vấn đề cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên. Hiện tỷ lệ kiên cố hóa phòng học của Điện Biên là trên 70%, nhà công vụ giáo viên là trên 45%, phòng nội trú là trên 50%, còn phải dùng nhà tạm.
Còn 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay trong năm học vừa qua, tình trạng thừa - thiếu giáo viên từng bước được khắc phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Bộ cũng đã trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học.
Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022-2023).
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Trước thềm năm học mới, các địa phương nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên
Trước thềm năm học mới 2024-2025, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nhức nhối của các địa phương trên cả nước khi số học sinh tiếp tục tăng lên.
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân thiếu giáo viên chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu.
Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật...
Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm. Hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã thẳng thắn cho biết Hà Nội còn khoảng 8.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên chưa tuyển và điều này sẽ góp phần gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc tham mưu bổ sung biên chế giáo viên./.