Nghiên cứu, bổ sung liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện

Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc “Sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm... giữa các cơ sở y tế.
Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này gồm 12 Chương, 106 Điều với 09 nhóm chính sách, tập trung vào 5 nhóm nội dung lớn: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện.

[Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Lấy người bệnh làm trung tâm]

Đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu đề nghị cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ nhằm góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Làm sao để công bằng với lực lượng y sỹ

Cho ý kiến về vấn đề giấy phép hành nghề cho chức danh y sỹ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chỉ rõ, lực lượng y sỹ dân sự đang phục vụ hiệu quả trong tuyến y tế cơ sở, có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh ban đầu.

Theo đại biểu Thu Dung, việc dự thảo Luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác, một mặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã, mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y đồng thời không phù hợp với nguyên tắc về “bình đẳng, công bằng giữa những người hành nghề” quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật.

Nghiên cứu, bổ sung liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Dung đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sỹ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để kiến nghị sửa đổi Luật cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này.

Đối với quy định người hành nghề được tiếp tục hành nghề theo phạm vi chuyên môn đã cấp mà không phải cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề nếu từ đủ 60 tuổi trở lên vào năm 2030, thảo luận tại các tổ, một số đại biểu cho rằng, quy định này có bất cập cần nghiên cứu, xem xét kỹ, vì trong khi những người đang hàng ngày công tác thực tiễn tại các cơ sở y tế vẫn phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn, việc những người đã về hưu không cần cập nhật thêm kiến thức và kỹ năng vẫn có thể giữ chứng chỉ hành nghề sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, các đại biểu thảo luận trong các tổ cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ với chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế tại y tế cơ sở, y tế cơ quan trường học... nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tham gia ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, mục tiêu của dự án Luật là nhằm từng bước nâng cao hiệu quả, hoàn thiện hệ thống y tế về cả chất lượng và số lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Đối với vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cùng một số đại biểu cho rằng cần quy định thời hạn 5 năm cho chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Nghiên cứu, bổ sung liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện ảnh 2Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý về chế độ đãi ngộ, mức lương khởi điểm… để các bác sỹ yên tâm công tác, đồng thời, cần quy định rõ hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám, chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ, có chế tài cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những hành vi này.

Sửa đổi cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Cho ý kiến tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần đổi mới phương thức quản lý khám bệnh, chữa bệnh, giải quyết các vấn đề về khám chữa bệnh trong tình hình mới, chủ động kiểm soát, điều trị các loại bệnh do dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, qua Báo cáo kết quả rà soát các Luật, Điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo Luật, có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như Luật Bảo hiểm y tế; Luật Lao động; Luật Giáo dục đại học; Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Việc làm; Luật Viên chức; Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Luật đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan.

Nghiên cứu, bổ sung liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện ảnh 3Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: quochoi.vn)

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn An nêu rõ, về nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh, đại biểu cơ bản nhất trí nguyên tắc quy định trong Điều 3 dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc “Sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm”... đồng thời cần báo cáo tình hình sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm; hệ thống thông tin quản lý hoạt động giữa các cơ sở khám chữa bệnh với nhau.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số đại biểu bày tỏ hy vọng dự thảo Luật lần này sẽ khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua cả về tổ chức bộ máy, cơ sở y tế, kết hợp đông tây y, bảo đảm an ninh cho cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề…

Về đối tượng cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 09 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.

Cần bổ sung quyền khiếu nại, khiếu kiện của người bệnh

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với những công việc mới, khó, chưa từng có tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong hệ thống y tế đặc biệt quan trọng. Mặc dù hệ thống pháp liên tục được hoàn thiện nhưng dịch, bệnh đã chỉ ra không ít bất cập, hạn chế trên thực tế. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 trao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ từng nhiệm vụ cụ thể cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa có quy định trong luật để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là việc chưa từng có tiền lệ, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Nghiên cứu, bổ sung liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện ảnh 4Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà chỉ rõ, quy định trong dự thảo Luật đã thay đổi căn bản hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Để đảm bảo sự thống nhất hệ thống y tế, đại biểu cho rằng cần có quy định về nguyên tắc làm cơ sở để sắp xếp lại hệ thống các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, trong đó cần làm rõ phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên nguyên tắc trừ các bệnh viện do Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khác chịu sự quản lý của địa bàn.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu rõ, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ về hình thức tổ chức, tính chất cũng như thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Bên cạnh đó, theo Quyết định 956/QĐ-TTg năm 2020 thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia cho thấy người đứng đầu Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, thành viên Hội đồng là đại diện của các cơ quan, cơ bản đều hoạt động kiêm nghiệm.

Đặt vấn đề nếu dự thảo Luật giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề có phù hợp với năng lực, khả năng cũng như tính chất hoạt động hay không, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng Hội đồng Y khoa Quốc gia nên được giao những nhiệm vụ như tư vấn, xây dựng thể chế, chính sách về y tế để khám bệnh, chữa bệnh cũng như giải quyết các vấn đề chuyên môn hơn là được giao những nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính như quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung quyền khiếu nại, khiếu kiện của người bệnh đối với cơ sở khám bệnh theo hướng “căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám, chữa bệnh” chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục