Nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật liên quan đến vấn đề dân tộc

Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng một đạo luật liên quan vấn đề dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho phát triển các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Biểu diễn múa của đồng bào Khmer trong Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 ở Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Biểu diễn múa của đồng bào Khmer trong Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 ở Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Trong hai ngày 11-12/4, tại Tuyên Quang, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật cùng một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie Kđăm chủ trì hội thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết hiện nay, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật liên quan đến vấn đề dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội thảo là diễn đàn để Hội đồng Dân tộc cũng như các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc trong thời gian tới.

1204hoidongdantoc.jpg
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, khoa học, nội hàm và việc sử dụng các thuật ngữ liên quan công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay; việc phân loại, phân định vùng, miền núi, vùng cao và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tính thống nhất, phù hợp trong các văn bản chính sách pháp luật quy định về tổ chức chính quyền địa phương và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức liên quan đến phân định đối tượng áp dụng chính sách miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, an toàn khu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết khi sử dụng các thuật ngữ công tác dân tộc, chính sách dân tộc cần chỉ ra nội hàm của các khái niệm được sử dụng.

Đối với thuật ngữ dân tộc theo nghĩa hẹp cần nói rõ hoặc là thành phần dân tộc/dân tộc đa số, dân tộc thiểu số hoặc sử dụng khái niệm tộc người. "Có lẽ nên cân nhắc sử dụng thuật ngữ tộc người thay thế thuật ngữ dân tộc theo nghĩa hẹp. Trong từng tộc người với nhiều nhóm địa phương có thể sử dụng khái niệm nhóm tộc người. Nếu xây dựng văn bản pháp luật, dùng khái niệm dân tộc cũng phải tính đến đối tượng được điều chỉnh..." - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Bá Nam đề xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc nhận định, các thuật ngữ “Vùng dân tộc thiểu số,” “Vùng dân tộc thiểu số và miền núi,” “Vùng miền núi, biên giới, hải đảo” thời gian qua đã được sử dụng trong Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật… phục vụ công tác quy hoạch chiến lược phát triển, quản lý nhà nước, đối nội, đối ngoại… của quốc gia.

Tuy nhiên, thời gian tới, để các thuật ngữ trên được nhận thức đúng, đầy đủ, khoa học và phát huy giá trị trong hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đối tượng và khu vực đặc thù này, chúng ta cần tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định “miền núi, vùng cao,” “vùng dân tộc thiểu số,” “vùng dân tộc thiểu số và miền núi,” “vùng miền núi, biên giới, hải đảo;” xem xét các hình thức phân định khác cũng như đánh giá việc phân định các vùng trên đối với hiệu quả của các chính sách, pháp luật.

1204hoidongdantoc2.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội)

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie Kđăm nhấn mạnh một trong những vấn đề khoa học có ý nghĩa tác động và chi phối đến chính sách, pháp luật, hiệu quả của công tác dân tộc, chính sách dân tộc… là xác định nội hàm những khái niệm, thuật ngữ quan trọng, cơ bản trong các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề dân tộc.

Có thể thấy trong thực tiễn xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc, nhiều thuật ngữ, khái niệm được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhưng chưa được xác định cụ thể về nội hàm hoặc chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng.

Đồng thời, sự phân định giữa các khái niệm cũng còn chồng chéo về phạm vi, đối tượng, gây những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan hữu quan ở cấp Trung ương và địa phương, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các chính sách dân tộc.

Việc giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học vững chắc.

Trên cơ sở kết quả, giá trị của những hoạt động khoa học như Hội thảo này, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạch định chính sách sẽ có cơ sở để xác định một cách đúng đắn nội hàm của các khái niệm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie Kđăm đề nghị Tiểu ban Kinh tế-Ngân sách của Hội đồng Dân tộc tổng hợp đầy đủ những ý kiến, tham luận tại Hội thảo để gửi các cơ quan có liên quan tham khảo, khai thác trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục