Nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án cải cách tư pháp

Ngành kiểm sát nhân dân đã nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án về cải cách tư pháp, nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố.
Sáng 16/7, tại Hà Nội, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khẳng định kết quả triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, công chức trong ngành kiểm sát.

Ngành kiểm sát nhân dân đã nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án về cải cách tư pháp, như “Tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp,” “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố,” “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam,” “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân nhằm thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”...

Viện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; đổi mới công tác thống kê tội phạm và vi phạm pháp luật.

Viện kiểm sát các cấp cũng đã nỗ lực đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân...

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị trong ngành kiểm sát nhân dân thời gian qua. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã làm tốt việc quán triệt Nghị quyết trong toàn ngành; chủ động xây dựng nhiều văn bản pháp luật được giao và tích cực phối hợp với các ngành liên quan xây dựng nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh quan trọng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...

Đặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tích cực tham gia trong quá trình lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tích cực chuẩn bị nhiều đề án được giao, nhất là việc chuẩn bị Đề án thành lập Viện kiểm sát khu vực.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị của ngành kiểm sát nhân dân, như việc tăng cường vai trò của công tố và gắn công tố với điều tra chưa đạt được nhiều hiệu quả; chưa xây dựng được một nền công tố mạnh và phát huy vai trò kiểm sát hoạt động điều tra. Chất lượng tranh tụng tại tòa của kiểm sát viên còn chưa cao, chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp; tình trạng vắng mặt luật sư tại phiên tòa vẫn còn xảy ra, dẫn đến Tòa án phải hoãn phiên tòa, kéo dài thời gian giải quyết vụ án...

Đề cập về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp xây dựng, chuẩn bị thật tốt nội dung Chương về ngành kiểm sát trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh và bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực, cũng như đáp ứng yêu cầu cải cách, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, góp phần tạo cơ chế minh bạch, có kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan tố tụng và ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát tiếp tục tạo đồng thuận trong toàn ngành, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi được cấp có thẩm quyền thông qua, khẩn trương triển khai tổ chức Viện kiểm sát khu vực.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục nghiên cứu chủ trương chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, đồng thời tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra; phát huy vai trò của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội mới được thành lập, để đây là cơ sở đào tạo nguồn cán bộ có trình độ, chất lượng cao cho ngành kiểm sát./.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục