Ngô Lực không để cảm xúc bản năng “đi lạc”

“18 tuổi đã bỏ nhà đi khiến bố mẹ tưởng tôi đi ăn cướp. Tôi đi 'giang hồ' 5 năm và bắt đầu cầm cọ từ chính những năm tháng ấy. Tôi luôn nghĩ cuộc đời tôi do chính tôi chịu trách nhiệm, chính mình sẽ phải đối diện với nó.”

“18 tuổi đã bỏ nhà đi khiến bố mẹ tưởng tôi đi ăn cướp. Tôi đi 'giang hồ' 5 năm và bắt đầu cầm cọ từ chính những năm tháng ấy. Tôi luôn nghĩ cuộc đời tôi do chính tôi chịu trách nhiệm, chính mình sẽ phải đối diện với nó.”

Ngô Lực khiêm tốn nhận "thứ" body painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) mà anh đang làm mới chỉ là "một hành vi nghệ thuật cộng đồng."

“Bởi tôi thấy mình chưa làm được điều đó một cách hoàn hảo, vì còn quá nhiều trở ngại về màu sắc cũng như thời gian đầu tư cho nó," anh nói, "làm thế nào để một người cởi quần áo ra mà không nghĩ là mình bậy bạ, làm thế nào để một người dám đối đầu với dư luận mà vẫn thấy mình trong sạch... đã là một việc cực kỳ khó khăn rồi chứ đừng nói đến nghệ thuật vẽ body."

Thoát y xong là vẽ…

Ở Việt Nam, để tìm được người mẫu vẽ body rất khó khăn, bởi các mẫu có nhiều điều để sợ - như sợ dư luận, sợ người khác nhìn thấy hết cơ thể mình..., vì thế họa sĩ phải dành nhiều thời gian phân tích cho họ hiểu trên thế giới người ta đã làm như vậy từ lâu, có những người mẫu chỉ chuyên làm body painting, còn có cả festival vẽ trên cơ thể.

Họa sĩ Ngô Lực chia sẻ: “Tôi cho họ xem các người mẫu nước ngoài được vẽ body painting đẹp ra sao, thế rồi họ thấy thích thú vì bản thân họ cũng là người mẫu với thân hình đẹp và họ cũng muốn làm một việc mang dấu ấn của cái đẹp, cái lạ. Tôi muốn cho họ thấy rằng bản thân cơ thể con người đã là nghệ thuật."

"Tất cả những gì thuộc về cơ thể là đẹp rồi, bây giờ chỉ cần chúng ta tôn vinh, đẩy nó lên cho ấn tượng, đặt nó trong bối cảnh hợp lý thì sẽ được nhìn nhận dưới góc độ tác phẩm nghệ thuật,” anh nói.

Ngô Lực đã từng làm việc với những người mẫu nước ngoài, và anh đều nhận được ở họ thái độ làm việc chuyên nghiệp. Vào phòng vẽ là họ hỏi ngay là ngồi đâu, sẽ làm như thế nào và họ cởi đồ rất tự nhiên. Còn với người Việt, lúc họ thoát y thì họa sĩ phải thật tế nhị, làm sao cho họ có đồ để che như miếng dán vào những chỗ nhạy cảm, hay phủ một lớp màu lên toàn bộ cơ thể…

Với anh, lĩnh vực này gói gọn trong công việc, người mẫu thoát y xong là hoạ sĩ bắt đầu với công việc của mình: Vẽ!

Nói về mục đích trong tất cả các dự án body painting đã và đang làm, Ngô Lực cho biết: “Tôi muốn ra hẳn một cuốn sách về body painting một cách có hệ thống, để ít ra khi công chúng tìm kiếm trên mạng về body painting Việt Nam, họ sẽ thấy có các nghệ sĩ làm được body painting một cách trọn vẹn.”

Không để cảm xúc bản năng “đi lạc”

Được hỏi về những cảm nhận bản năng khi sáng tác, nhất lại là những tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, Ngô Lực nói: “Thực tế, hầu như ai cũng có những cảm xúc bản năng trong phút đầu tiên khi trên cơ thể mẫu chưa có hình hài của đường nét nào, mà ngay người mẫu cũng vậy thôi, họ cũng có những cảm xúc giống như tôi trong khoảnh khắc ấy. Nhưng rồi tôi lập tức nghĩ mình phải vẽ gì đây, đường nét thống nhất theo khuynh hướng nào, phác thảo những nét cơ bản đầu tiên từ cổ đến chân, rồi tỉa thêm dần các họa tiết… Lúc đó tôi chỉ còn chú tâm vào công việc thôi, không còn nghĩ được gì khác nữa. Vì nếu tiếp tục để suy nghĩ của mình 'đi lạc' thì sẽ không thể vẽ được.”

Với người mẫu, khi quyết định làm công việc này, họ đã xác định rõ tư tưởng, bởi bản thân công việc người mẫu đã rèn luyện cho họ, mỗi buổi biểu diễn phải thay nhiều bộ đồ, sau cánh gà họ chỉ có 10 giây để đổi phục trang, vì thế họ đã quen với việc trút bỏ hết trước mặt người khác. Họ khác những người bình thường là họ coi chuyện đó hết sức bình thường.

Trong cảm nhận của họa sĩ Ngô Lực, từ thế hệ 8x trở đi anh thấy họ sống rất thực tế ở chỗ, cần những gì đúng là của mình, cần người nào hiểu được con người thật của mình chứ không phải những giá trị phù phiếm.

Làm công việc được đánh giá là “nhạy cảm” ở Việt Nam, anh kể đã từng hỏi cô người mẫu 8x có sợ người yêu khi làm việc này không thì cô nói: “Nếu người yêu em mà nghĩ linh tinh thì trước sau cũng làm khổ em thôi, vậy thì em không cần kiểu người yêu như anh ta nữa.”

Sẵn sàng chịu búa rìu dư luận

Công bố bộ ảnh body painting, Ngô Lực phải đối diện với sự phản ứng của ngay các cô gái đã và đang dành tình cảm yêu mến cho anh, nhiều cô không nghe máy khi anh gọi.

Nhưng Ngô Lực nói anh có niềm tin rằng việc mình đang làm là vì con người. Nghệ thuật là của con người - anh nghĩ đơn giản làm nghệ thuật là như vậy thôi. “Ngày xưa, có rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới khi họ sáng tạo các tác phẩm mà tòa giáo sứ có thể chém đầu họ ngay tức thì nhưng họ vẫn làm. Sau này những tác phẩm ấy đều được chấp nhận.”

Họa sĩ nói, anh sẵn sàng chịu búa rìu dư luận, “bởi nguyên lý cuộc đời đơn giản là người ta có một lần tức tối với nó thì mới nghĩ về nó và nghĩ rồi mới mong thay đổi suy nghĩ về nó. Chứ nếu họ nhìn thấy cái lạ mà khen ngay chỉ là xạo.”

Ngô Lực không thích người khác gọi anh là họa sĩ, nghệ sĩ, là thầy hay giám đốc… mà “cứ gọi tôi là thằng Lực hay anh Lực thôi.” Được hỏi, không biết “thằng” Lực khi yêu thế nào, anh chia sẻ: “Tôi là người không thích sự nửa vời nên cũng không yêu được những phụ nữ nửa vời. Với tôi, trong công việc mà lại xen mấy 'chuyện ấy' vào thì rất chán và rẻ tiền. Tôi muốn làm cái gì cũng phải tới nơi tới chốn vì nếu không chẳng đem lại cảm giác gì."

Ngô Lực đang dồn hết sức cho một bộ body painting hoàn thiện đúng nghĩa, và anh cũng nỗ lực để công chúng có cái nhìn thân thiện hơn và chấp nhận loại hình nghệ thuật “cũ người” nhưng còn “mới ta” này./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục