'Ngoại giao vaccine' và quan hệ giữa Trung Quốc-Indonesia

Bắt đầu từ cuối năm 2020, Indonesia đã nhận được vaccine của Trung Quốc. Ngày 6/12/2020, Indonesia nhận 1,2 triệu liều và ngày 31/12 nhận tiếp 1,8 triệu liều.
'Ngoại giao vaccine' và quan hệ giữa Trung Quốc-Indonesia ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 1/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, gần đây, số ca nhiễm COVID-19 của Indonesia tăng mạnh và trở thành quốc gia có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.

Ngày 23/6, thông qua truyền hình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu kêu gọi người dân duy trì trật tự và phòng dịch, đồng thời tiêm chủng vaccine.

Hiện nay, phần lớn vaccine Indonesia đang sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Có nghiên cứu nhấn mạnh các hãng dược của Indonesia đã thảo luận với Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hàn Quốc và Anh, hy vọng có thể hợp tác sản xuất vaccine.

[Tình thế đảo ngược trong cuộc chiến “ngoại giao vaccine” Mỹ-Trung]

Ngày 21/7/2020, Indonesia tuyên bố đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vaccine Sinovac ở Bandung.

Ngày 11/1/2021, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba diễn ra thành công, Indonesia cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac.

Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) cũng phát đi thông báo nhấn mạnh Sinovac phù hợp với tiêu chuẩn Hồi giáo, mọi người có thể tiêm chủng.

Ngày 13/1/2021, Tổng thống Joko Widodo công khai tiêm vaccine Sinovac qua truyền hình và kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng dịch. Điều này vô hình chung đã khẳng định và tuyên truyền đối với vaccine của Trung Quốc.

Trung Quốc hỗ trợ Indonesia trở thành trung tâm vaccine

Trên thực tế, trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á vào tháng 10/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cung ứng vaccine cho những quốc gia này và Indonesia là một trong những nước được ưu tiên.

Ngoại giao vaccine của Trung Quốc đi trước Mỹ và các nước châu Âu. Vaccine của Trung Quốc chiếm ưu thế rõ nét ở các nước đang phát triển Đông Nam Á.

Bắt đầu từ cuối năm 2020, Indonesia đã nhận được vaccine của Trung Quốc. Ngày 6/12/2020, Indonesia nhận 1,2 triệu liều và ngày 31/12 nhận tiếp 1,8 triệu liều.

Từ ngày 12/1 đến 2/3/2021, chỉ trong vòng nửa tháng ngắn ngủi, Indonesia lại nhận thêm 35 triệu liều.

Liên quan đến vaccine từ các nước khác, tính đến ngày 8/3, Indonesia chỉ nhận được 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Ngày 26/4, Indonesia tiếp tục nhận 10,3 triệu liều vaccine AstraZeneca. Nhìn chung, việc cung ứng vaccine từ các nước khác không được thuận lợi.

Trên thực tế, Indonesia đã lên kế hoạch đặt mua vaccine trên toàn cầu. Indonesia đặt mua 125,5 triệu liều vaccine của Trung Quốc, chiếm 38% tổng vaccine đặt mua của nước này, phần còn lại là vaccine Novavax của Mỹ, vaccine được viện trợ thông qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX, vaccine của BioNTech/Pfizer, mỗi loại 50 triệu liều, chiếm 62% tổng nguồn cung vaccine của Indonesia.

Nói cách khác, nếu việc cung ứng vaccine có thể tiến hành theo kế hoạch đã xác định thì Indonesia sẽ không phải dựa vào vaccine của Trung Quốc.

Về dài hạn, Indonesia hiểu rằng chỉ vaccine do doanh nghiệp trong nước phát triển mới có thể giải quyết vấn đề cung ứng vaccine ngừa COVID-19.

Do đó, các hãng dược của Indonesia đã sớm tiếp xúc với các nhà sản xuất thuốc của nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất vaccine, đồng thời có kế hoạch xây dựng Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Đông Nam Á.

Mong muốn này của Indonesia nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Jakarta vào tháng 1/2021, ông Vương Nghị đã nói với Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Panjaitan, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Indonesia về vấn đề này.

Ngày 20/4, trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhắc lại Trung Quốc chắc chắn hỗ trợ Indonesia trở thành trung tâm vaccine của Đông Nam Á. Trên thực tế, tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã vận chuyển vaccine Sinovac bán thành phẩm đến Indonesia.

Hãng dược phẩm quốc gia Indonesia Bio Farma đã nhận được giấy phép của Sinovac, chuẩn bị đóng gói 13 triệu liều vaccine Sinovac trong thời gian tới.

Ngày 21/4, hãng tin CNN đưa tin Bio Farma đã sản xuất 35 triệu liều vaccine Sinovac, trong đó 20 triệu liều sẽ được phân phối cho các địa phương của Indonesia sử dụng.

Liên quan đến tình hình hợp tác cụ thể giữa Trung Quốc và Indonesia trên phương diện này, hiện nay vẫn chưa có dữ liệu.

Indonesia cũng đang tự nghiên cứu điều chế vaccine "Bendera Merah Putih," nhưng kết quả chưa được tiết lộ.

Tháng 11/2020, Luhut Binsar Panjaitan từng đến Washington hội kiến với Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump, cảm ơn ông tiếp tục đưa Indonesia vào vị trí "quốc gia ưu đãi."

Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là Mike Pence cũng đề cập với Luhut Binsar Panjaitan vấn đề hợp tác sản xuất vaccine, nhưng không có văn bản.

Ngày 8/4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin báo cáo trước Quốc hội rằng năm nay Indonesia chỉ nhận được 20 triệu trong số 50 triệu liều vaccine mà Indonesia đặt mua thông qua các tổ chức vaccine toàn cầu. 54 triệu liều vaccine miễn phí từ Ấn Độ cũng không được thực hiện thực do tình hình dịch bệnh phức tạp của Ấn Độ.

Vì vậy, Budi Gunadi Sadikin kiến nghị khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Joko Widodo cần yêu cầu Trung Quốc cung cấp nhiều vaccine hơn để ứng phó khẩn cấp. Kết quả, trong khoảng thời gian tháng Tư và tháng Năm, Indonesia nhận được 10-15 triệu liều vaccine từ Trung Quốc.

Bản chất của quan hệ Trung Quốc-Indonesia

Từ góc độ cung ứng vaccine ngừa COVID-19 để đánh giá quan hệ giữa Jakarta với Bắc Kinh, có thể thấy chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc thành công hơn các nước phương Tây.

Ngoài ra, trong sự kiện tàu ngầm của Indonesia bị đắm vào tháng 5/2020, lực lượng hải quân hai nước lần đầu tiên tiến hành hợp tác trong việc cứu hộ cứu nạn. Việc này đã thiết lập mối quan hệ thân thiện nhất định.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai của Indonesia.

Không chỉ như vậy, dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung cũng được tái khởi động. Khi dịch COVID-19 hoành hành, Trung Quốc đã rất nhanh chóng cung cấp vaccine cho Indonesia.

Về hình thức, quan hệ Trung Quốc-Indonesia rất mật thiết, nhưng thực tế không phải như vậy. Kể từ khi lập quốc đến nay, Indonesia luôn theo đuổi chính sách ngoại giao "độc lập và tích cực." Jakarta muốn duy trì lập trường trung lập trong cuộc đọ sức giữa hai nước lớn Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục