"Ngoại giao Việt Nam phải đi đầu trong bối cảnh thế giới biến động"

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao đang trong quá trình định hình ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển hay ngoại giao phục vụ phát triển.
"Ngoại giao Việt Nam phải đi đầu trong bối cảnh thế giới biến động" ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sau năm ngày làm việc khẩn trương (từ 13-17/8), chiều 17/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã kết thúc tốt đẹp.

Ngay sau phiên bế mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời báo chí về kết quả Hội nghị.

- Thưa Thứ trưởng, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Ngoại giao. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả quan trọng của Hội nghị lần này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm nay là năm thứ 73 thành lập ngành Ngoại giao từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là nền ngoại giao hiện đại, nền ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức đúng vào dịp giữa nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ XII của Đảng. Với thời điểm và mốc lịch sử đó, Hội nghị đặt ra mục tiêu là xem xét, đánh giá lại diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong hơn hai năm qua, kể từ khi thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Những biến đổi rất nhanh của tình hình thế giới và khu vực hiện nay tác động đến việc triển khai đường lối của đối ngoại; việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển, nâng cao vị thế đất nước trong thời gian qua...

Trong bối cảnh đó, phải tìm ra được những biện pháp, chính sách để hoàn thành thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra cũng như những nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngoại giao từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII và sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào năm 2016.

[Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 nâng tầm ngoại giao Việt Nam]

Những kết quả đạt được trong hơn hai năm qua đã được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đánh giá cao, coi những thành tựu này là một điểm sáng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong việc thực hiện đường lối đối ngoại nói riêng và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nói chung.

- Hội nghị đã xác định những trọng tâm của ngành Ngoại giao trong thời gian tới như thế nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đây là dấu mốc lịch sử của Hội nghị lần thứ 30 với sự tham gia rất đông đảo của trên 700 đại biểu, đặc biệt là của tất cả các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cán bộ nhân viên ngoại giao. Với hình thức sáng tạo, chủ động, chúng tôi đã tổ chức nhiều phiên làm việc khác nhau để tăng cường sự phối hợp, cộng tác rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan tham gia công tác đối ngoại phục vụ phát triển.

Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức các phiên họp khác nhau để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương tham gia vào công tác hội nhập quốc tế. Ngoại giao đang tập trung vào sự nghiệp ngoại giao phục vụ phát triển. Với tinh thần đó, Hội nghị lần này đã bàn bạc rất kỹ về tình hình quốc tế và khu vực, từ đó đặt ra một số trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Thứ nhất trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp hiện nay, ngoại giao Việt Nam phải đi đầu, đóng góp tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đất nước, phát huy được nội lực, tranh thủ được nguồn lực ở bên ngoài để phục vụ tốt nhất cho sự phát triển đất nước.

Thứ hai, công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo đóng góp cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng; phải có những ý kiến đóng góp xác đáng, khả thi nhất cho việc hoạch định chính sách và triển khai hoạt động đối ngoại trong thời gian tới.

Thứ ba, xác định triển khai mạnh mẽ nhất là ngoại giao kinh tế để phục vụ cho phát triển đất nước.

Tại Phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng đã chỉ đạo rất cụ thể về ngoại giao kinh tế và ngoại giao phục vụ phát triển; trong đó nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất ngoại giao chuyển sang hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, làm đối tượng phục vụ trong quá trình phát triển của đất nước. Thứ hai phải kết hợp được tất cả các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, ngoại giao Nhà nước với quốc phòng, an ninh, các lực lượng trong đối ngoại phải tạo ra được sức mạnh tổng hợp nhất để giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

"Ngoại giao Việt Nam phải đi đầu trong bối cảnh thế giới biến động" ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngành ngoại giao cũng triển khai đồng bộ các hoạt động ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Đây là những lĩnh vực rất quan trọng để đưa hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, qua đó tranh thủ được sự đồng thuận, hợp tác của nhân dân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đây là một yêu cầu rất quan trọng của công tác đối ngoại trong thời gian tới cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Công tác bảo hộ công dân, tranh thủ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc gắn bó chặt chẽ với quê hương, Tổ quốc, không chỉ đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các đối tác mà còn đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Bộ Ngoại giao đưa ra chương trình làm việc cụ thể nhằm kiện toàn, xây dựng bộ máy Bộ Ngoại giao trong thời gian tới theo hướng vừa tinh gọn, hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Bên cạnh đó, phải xây dựng được bộ máy nhân sự từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng.

Việc sử dụng cán bộ đều cần lên kế hoạch cụ thể để có đội ngũ cán bộ ngoại giao tốt nhất, đáp ứng được với tình hình mới. Những công việc này nhằm đảm bảo xây dựng được một nền ngoại giao vừa chính quy, vừa chuyên nghiệp; đồng thời từng bước hiện đại, phục vụ cho việc tuyên truyền đường lối đối ngoại, quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Bộ Ngoại giao cần xây dựng cơ sở vật chất của cơ quan đại diện ở nước ngoài sánh tầm với một đất nước Việt Nam với trên 100 triệu dân, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, có vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

- Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, Thứ trưởng có thể cho biết “Ngoại giao phục vụ phát triển” sẽ đóng góp như thế nào vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì có chủ đề “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.” Trước đó, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức một phiên họp riêng với trên 400 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam để lấy thêm ý kiến. Tựu trung lại, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển hay ngoại giao phục vụ phát triển, cả hai khía cạnh này Bộ Ngoại giao đều đang trong quá trình định hình.

Việc triển khai các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển được thực hiện từ lâu nhưng đến nay ngày càng bài bản chính quy, đặc biệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, tiếp đó là Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tập trung vào một số việc Bộ Ngoại giao đã và đang thực hiện.

Một là công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin cập nhật đến với cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thị trường của các nước trên thế giới. Với lợi thế của ngành Ngoại giao là có cơ quan đại diện trên hầu hết các nước trên thế giới, các đơn vị này có thể thông tin cụ thể về diễn biến thị trường, kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội, tác động đến việc hợp tác về kinh tế giữa ta và các đối tác. Đây là điều quan trọng, cũng là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Ngoại giao sẽ tập trung vào lĩnh vực này.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân để đột phá vào những thị trường mà các doanh nghiệp còn khó khăn. Với ưu thế của cơ quan đại diện, đặc biệt, các đại sứ cùng các tham tán thương mại có thể tiếp cận được các nhân vật khác nhau của các nước, những cán bộ này hiểu rõ về địa bàn đó nên có thể tham mưu, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiến vào các thị trường trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường được mở rộng ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không chỉ đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do để tiến vào các thị trường mà còn tham mưu, cố vấn giúp doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường một cách thuận lợi.

Thứ ba, Bộ Ngoại giao nhận thấy, các đề xuất của doanh nghiệp rất hữu ích. Bằng việc đồng hành với doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao sẽ phải có những công trình nghiên cứu, khảo sát thông tin, bảng đánh giá về từng thị trường nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thực hiện các bản tin kinh tế hàng ngày, hàng tuần, tới đây là các bảng thống kê, khảo sát về các thị trường khác nhau để cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện thực hiện kế hoạch hỗ trợ rất cụ thể. Ví dụ, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel khi vươn ra 10 thị trường khác nhau đều có sự hỗ trợ đồng hành quyết liệt của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các doanh nghiệp khác như Vietjet Air, TH True Milk trong quá trình vươn ra thị trường cũng đều có sự hỗ trợ và hoạt động của họ tại các thị trường này hiện rất thành công. Điều này tạo được niềm tin, sự phấn khởi cho các cơ quan đại diện, từ đó định hình tốt hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ Ngoại giao, cả nước để đảm bảo quá trình hội nhập quốc tế của đất nước thành công.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục