Ngoại trưởng Mỹ tìm kiếm tầm nhìn tích cực cho hợp tác Mỹ-châu Phi

Ngoại trưởng Pompeo sẽ nhấn mạnh đến "tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư" tại một châu lục được dự báo sẽ tăng dân số gấp đôi vào năm 2050.
Ngoại trưởng Mỹ tìm kiếm tầm nhìn tích cực cho hợp tác Mỹ-châu Phi ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong chuyến công du đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi sau gần hai năm tại nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tìm kiếm một tầm nhìn tích cực cho hợp tác giữa Mỹ với châu lục này.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Pompeo bắt đầu chuyến công du từ ngày 15/2 với các chặng dừng chân tại Senegal, Angola và Ethiopia.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 3 nước trên được lựa chọn vì "đây là những nước đóng góp lớn cho sự ổn định khu vực."

Theo quan chức này, một "chủ đề lớn" sẽ được đề cập trong chuyến đi này là vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi, nước đã chi rất nhiều tiền vào châu lục này trong chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu của mình.

[Nga xoay trục trở lại châu Phi và sự dè chừng của Mỹ, Trung Quốc]

Một ví dụ điển hình, Trung Quốc đã đầu tư đặc biệt mạnh vào Angola, nước hiện đang nợ Bắc Kinh khoảng 25 tỷ USD và sẽ thanh toán nợ bằng dầu mỏ.

Quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo sẽ nhấn mạnh đến "tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư" tại một châu lục được dự báo sẽ tăng dân số gấp đôi vào năm 2050.

Quan chức này nói: "Chúng tôi muốn tiếp sức mạnh cho thanh niên và đảm bảo rằng họ là một động lực cho sự tăng trưởng năng động và đầu tư, cũng như thúc đẩy kinh tế, cải thiện khả năng quản trị trên thế giới."

Trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ đã gửi đi những thông điệp hỗ trợ phù hợp với mục tiêu trên. Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bắt đầu cân nhắc cắt giảm hiện diện quân sự tại châu Phi, thay vào đó là các nguồn lực khác.

Ý tưởng này khiến Pháp lo ngại các tác động xấu đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Pháp hiện đang đứng đầu một chiến dịch có sự tham gia của 4.500 binh sỹ tại khu vực Sahel nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các tay súng thánh chiến, trong khi Mỹ giúp tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay và cung cấp các hỗ trợ logistic khác.

Theo giáo sư Ahmadou Aly Mbaye, Đại học Cheikh Anta Diop ở Dakar (Senegal), cũng là học giả tại Viện Brookings ở Washington, đây sẽ là một chủ đề quan trọng được đưa ra bàn thảo trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục