Người dân ở Quảng Nam không ra đường sau 20 giờ hôm nay để tránh bão

Do ảnh hưởng của bão số 5, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Nam khuyến cáo người dân không ra đường từ 20 giờ ngày 11/9 cho đến khi bão tan.
Người dân ở Quảng Nam không ra đường sau 20 giờ hôm nay để tránh bão ảnh 1Cắt tỉa cây xanh phòng tránh gãy đổ trước bão số 5 ở Quảng Nam. (Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN)

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ đêm 11/9 đến sáng 12/9, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Quảng Nam, gây ra gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9; giật trên cấp 9.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Bộ nối với hoàn lưu bão số 5, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, có nơi mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.

Trên các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ; nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và một số xã miền núi của huyện Núi Thành; có nguy cơ xảy ra ngập úng tại thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước và thị trấn Núi Thành.

Để đảm bảo an toàn về người, tài sản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công tác ứng phó bão số 5 (tên quốc tế là Conson) và mưa lớn; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 17 giờ ngày 11/9, để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Nam cần khuyến cáo người dân không ra đường từ 20 giờ ngày 11/9 cho đến khi bão tan.

[Bão số 5 có thể tốc mái nhà, gây ngập lụt tại 40 huyện ở miền Trung]

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công, công trình biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.

Trường hợp không đảm bảo an toàn thì phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn trước 18 giờ ngày 11/9; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy...

Để hạn chế các tình huống xấu có thể xảy ra, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Đặc biệt, người dân ven biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang căng mình gia cố bờ biển Cửa Đại trước sự công phá của sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5.

Hiện tại, từng đợt sóng cao đến 2m đang áp sát một số nhà hàng ven biển. Nhiều người bày tỏ sự lo sợ trước sức công phá dữ dội của sóng biển có thể khiến những đoạn kè tạm bợ bằng bao cát sẽ không trụ vững.

Việc gia cố bờ biển đang được các chủ nhà hàng thực hiện hết sức khẩn trương vì sợ tối nay bão đổ bộ sẽ trở tay không kịp. Nhiều năm qua, cứ tới mùa mưa bão, bờ biển của Hội An lại được đặt trong tình trạng báo động, những chủ nhà hàng ven biển cứ nơm nớp lo sợ.

Còn tại huyện miền núi Phước Sơn chính quyền địa phương cũng đã vận chuyển 14 tấn gạo cho 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc để phòng trường hợp bị cô lập nhiều ngày.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn, cho biết: Việc hỗ trợ gạo cho bà con trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền được chính quyền địa phương thực hiện sau khi rút kinh nghiệm từ trận mưa bão cuối tháng 10/2020 khiến 13 người chết và mất tích. Cơn bão năm ngoái đã khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng nên 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập hơn 20 ngày, dẫn đến người dân thiếu thức ăn.

Cũng theo ông Lê Quang Trung, từ đêm qua đến chiều 11/9, tại huyện Phước Sơn có mưa to, nước trên các sông, suối đều dâng cao. Đoạn đường ĐH1 qua trung tâm xã Phước Thành bị chia cắt do nước ngập sâu. Chính quyền xã đã cử lực lượng chốt chặn, không cho phương tiện lưu thông.

Để ứng phó với mưa bão, cán bộ xã Phước Thành, huyện Phước Sơn đã tới từng hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở để vận động di dời đến Ủy ban Nhân dân xã và các cawb nhà kiên cố để trú tránh. Xã đã di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân với 478 khẩu về nơi an toàn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong hai ngày qua có mưa rất to, tại một số xã miền núi ở vùng cao của các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang đã xảy ra lũ nhỏ và sạt lở đất.

Chính quyền địa phương đã ra thông báo cho người dân hạn chế đi lại tại các nơi nguy hiểm và được cắm biển báo. Đồng thời, các các đơn vị tuyến biển thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đang khẩn trương triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân chằng, chống nhà cửa, trường học, sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền... mọi công tác phòng, chống bão số 5 phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 11/9, trước khi bão vào đất liền./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục