Người dân toàn cầu lo lắng về biến đổi khí hậu, xung đột và sức khỏe

Kết quả cuộc khảo sát do LHQ thực hiện tại 186 quốc gia trên thế giới cho thấy các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu và những rủi ro về sức khỏe là những vấn đề khiến người dân các nước lo ngại.
Những trận cháy rừng quy mô lớn trên toàn cầu là hậu quả một phần của tình trạng biến đổi khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những trận cháy rừng quy mô lớn trên toàn cầu là hậu quả một phần của tình trạng biến đổi khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả cuộc khảo sát thực hiện đối với 40.000 người tại 186 quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu và môi trường sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai.

Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo cáo ngày 20/4 của Liên hợp quốc liên quan đến cuộc khảo sát trên, cho biết ngoài những mối quan tâm trên, các cuộc xung đột và rủi ro về sức khỏe sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện sẽ là những vấn đề chi phối thế giới.

Cuộc khảo sát là một phần của sáng kiến đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc trong năm nay.

Số người được khảo sát cũng cho thấy 95% đánh giá hợp tác quốc tế là “cần thiết” hoặc “rất quan trọng” để giải quyết các xu hướng trên, với sự gia tăng đáng chú ý từ cuối tháng Hai, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID -19 lan rộng.

Kết quả sơ bộ khảo sát trực tuyến kéo dài một phút, bắt đầu từ ngày 1/1 đến ngày 24/3 cho thấy các ưu tiên của người dân toàn cầu đối với “thế giới chúng ta muốn tạo ra:” bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, ít xung đột hơn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản và không phân biệt đối xử.

[Cùng với dịch COVID-19, biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa toàn cầu]

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra sáng kiến này và sẽ tiếp tục trong suốt cả năm 2020 để nhận phản hồi từ mọi người dân trên toàn thế giới về quan điểm của họ đối với mối các quan tâm lớn, cách họ nhìn thế giới vào năm 2045 và hợp tác toàn cầu.

Liên hợp quốc cho biết những phát hiện sẽ được công bố tại lễ kỷ niệm chính thức 75 năm thành lập Liên hợp quốc vào tháng Chín tới.

Sau đó, Liên hợp quốc sẽ khởi động các cuộc thảo luận về cách tốt nhất để đưa ra kết quả và trình bày báo cáo cuối cùng vào tháng 1/2021.

Ông Antonio Guterres bày tỏ mong muốn sử dụng sáng kiến và “cột mốc kỷ niệm 75 năm” thành lập Liên hợp quốc để phản ánh sự hợp tác đa phương mà thế giới cần vào thời điểm này, bao gồm giải quyết đại dịch COVID-19 hiện nay và đạt được các mục tiêu thiên nhiên kỷ mà Liên hợp quốc đã đặt ra.

Ngoài cuộc khảo sát trực tuyến, sáng kiến đánh dấu 75 năm thành lập Liên hợp quốc còn bao gồm các cuộc đối thoại tập trung trong tương lai, thăm dò dư luận và phân tích về báo in, báo phát thanh, báo mạng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục