Lo giữ lụa Vạn Phúc

Người dệt lụa Vạn Phúc loay hoay giữ thương hiệu

Những biến động kinh tế khó khăn, sự xâm nhập hàng Trung Quốc khiến những người dệt lụa Vạn Phúc rơi vào trạng thái chán nản.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã được đông đảo khách trong và ngoài nước biết đến.

Tuy vậy, ngoài những khó khăn chung của các làng nghề trong cả nước do tình hình kinh tế biến động, làng nghề Vạn Phúc hiện rơi vào tình trạng cả chủ lẫn khách không còn mặn mà với sản phẩm dệt lụa.

Đó là sự chán nản của những người thợ dệt do tiền công thấp, sự không minh bạch khi các tiểu thương làng nghề đưa hàng Trung Quốc vào kinh doanh dẫn tới mất lòng tin của khách hàng và sự sụt giảm sản lượng lụa dệt so với những năm trước kia.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc cho biết Vạn Phúc hiện có 750 hộ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nghề dệt lụa trong đó tới 400 hộ chuyên dệt lụa. Với lực lượng sản xuất như vậy, hàng năm Vạn Phúc dệt được khoảng 2 triệu mét vải phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách và xuất bán đi các địa phương khác. Nhưng hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sức tiêu thụ sản phẩm. Nếu giá một kilôgam tơ năm 2009 là 350.000 đồng thì nay đã lên tới 1,1 triệu đồng đẩy giá thành sản phẩm tăng cao và kéo lợi nhuận giảm xuống. Nếu hộ sản xuất tại làng nghề phải vay vốn ngân hàng để sản xuất thì hoàn toàn không còn lãi.

Mặt khác, tiền công thu được từ nghề này quá thấp đã ảnh hưởng tới tâm lý làm nghề của người dân. Theo tính toán của ông chủ nhiệm hợp tác xã, tiền công của người vừa làm chủ vừa làm thợ chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng/ngày, còn người dệt thuê chỉ khoảng 30.000 đồng/ngày. Chính bởi thế, nhiều người không muốn theo nghề đặc biệt là lớp trẻ khiến lụa Vạn Phúc không có “điểm tựa” để phát triển vững chắc.

Trong khi đó, để làm phong phú sản phẩm khi kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng đã nhập lụa Trung Quốc tạo thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. Tuy vậy, khi bán sản phẩm, các chủ cửa hàng không niêm yết cũng như không giải thích rõ ràng lụa Vạn Phúc hay lụa Trung Quốc khiến khách hàng bị nhầm lẫn. Do vậy, nếu trước kia người dân hào hứng với lụa Vạn Phúc bao nhiêu, nay lại cảnh giác bấy nhiêu. Vô hình chung, lụa Vạn Phúc đang mất dần hình ảnh quý trong lòng người tiêu dùng. Nếu 5-6 năm trước đây, mỗi năm làng nghề này dệt và tiêu thụ khoảng 2,5 triệu mét thì đến nay chỉ sản xuất khoảng 2 triệu mét lụa các loại.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc cho biết, để thúc đẩy làng nghề phát triển, chính quyền địa phương cùng với hợp tác tác xã đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, địa phương cùng hợp tác xã giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư máy dệt mới, nâng cao kỹ thuật dệt và nhuộm màu. Theo đó, việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được chú trọng trong đó ưu tiên hướng ra thị trường nước ngoài.

Hiện tại, làng nghề Vạn Phúc có nhiều lợi thế phát triển thị trường này do mỗi năm có hàng nghìn lượt khách quốc tế tới tham quan, mua sắm. Đối với việc bảo vệ thương hiệu, uy tín của lụa Vạn Phúc trong kinh doanh, hợp tác xã yêu cầu các hộ sản xuất ghi rõ xuất xứ, địa chỉ vào biên vải để gắn trách nhiệm của hộ với sản phẩm đồng thời niêm yết rõ ràng xuất xứ các loại sản phẩm khi bán hàng, trách gây nhầm lẫn cho khách./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục