Người hầu da đen của ông già Noel không phải phân biệt chủng tộc

Với nhiều người, gương mặt đen và đôi môi đỏ chót phóng đại sẽ lập tức khơi dậy cảm giác về sự phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, đa phần người Hà Lan cho biết họ không có vấn đề gì với Zwarte Piet.
Người hầu da đen của ông già Noel không phải phân biệt chủng tộc ảnh 1(Nguồn: MSN)

Vào khoảng tháng 11-12 hàng năm, nhiều người dân ở Hà Lan lại bôi đen mặt mũi của mình và đi khắp nơi giả vờ làm những nô lệ châu Phi của Ông già Noel. Theo một cuộc thăm dò dư luận, có tới 92% người Hà Lan coi đây là một chuyện bình thường, theo MSN.

Những người da đen này được gọi là các Zwarte Piet. Theo truyền thuyết Hà Lan, đây là đoàn hộ tống đi cùng Santa Claus (Sinterklass) trên tàu hơi nước để mang các món quà trước Giáng sinh đến cho những đứa trẻ ngoan và mang những đứa trẻ hư đi.

Suốt 150 năm qua, cứ đến tháng 11, những người đóng giả Zwarte Piet mặt đen và Santa Claus lại diễu hành qua các thành phố ở Hà Lan, Bỉ và Luxembourg để tạo không khí cho "Ngày tặng quà" 5/12, một dịp mà trẻ con sẽ tìm thấy những món quà trong giày của chúng, và ngày của Sinterklass, 6/12.

Tính riêng ở Amsterdam đã có ít nhất 600 Zwarte Piet thuộc tổ chức Piet Guild tham gia diễu hành. Những tổ chức nhỏ hơn và các diễn viên da đen thì rải khắp vùng Benelux. Diễn viên nổi tiếng người Hà Lan, Erik van Muiswinkel, người thường xuất hiện trong các chương tình truyền hình do chính phủ tài trợ thì vào vai Bếp trưởng Piet.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản là những món quà và các buổi diễu hành. Năm nay, vào lễ kỷ niệm diễn ra tại Gouda hôm 15/11, cảnh sát đã bắt giữ 90 người phản đối sự xuất hiện của các Piet với biểu ngữ "Zwarte Piet là sự phân biệt chủng tộc". Vụ ẩu đả kết thúc bằng những hình ảnh khó coi khi cảnh sát đè những người gây rối xuống đất.

"Thật là buồn. Không ai được phép phá rối một bữa tiệc cho trẻ em như vậy," Thủ tướng Hà Lan Marke Rutte bình luận.

Zwarte Piet xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách cho trẻ em xuất bản năm 1850 có tên "Thánh Nicholas và người Hầu cận" của Hiệu trưởng Jan Schenkman. Khi đó, đế chế Hà Lan không chỉ liên quan trực tiếp tới việc buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương mà còn phụ thuộc vào nguồn lao động tại các nông trường thuộc địa ở Suriname và Indonesia.

Với nhiều người, gương mặt đen và đôi môi đỏ chót phóng đại sẽ lập tức khơi dậy cảm giác về sự phân biệt chủng tộc. Cộng đồng người da màu ở Hà Lan đã chỉ trích các Zwarte Piet trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, đa phần người Hà Lan cho biết họ không có vấn đề gì với Zwarte Piet.

Geert Wilder, nhà cầm quyền của Đảng Tự do với tôn chỉ chống lại việc nhập cư từng đăng lên Twitter rằng ông thà bỏ Liên Hợp Quốc đi còn hơn là không có Zwarte Piet. Nhiều nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc và chống-Piet ở Hà Lan còn nhận được những lời dọa giết. Trang Facebook "Piet-tition" nhằm giữ lại các Piet nhận được tới 2 triệu lượt like, một con số đáng kể so với dân số 16 triệu của Hà Lan.

"Nếu không còn các Piet, số đông ở Hà Lan sẽ quay lưng lại với cộng đồng người da màu ở đây. Không ai có thể nhìn vào những người tới từ Suriname mà không nghĩ rằng họ là những người đã phá hoại cuộc vui," một bài viết trên tờ báo de Volksrant của Hà Lan hồi tháng 10 tuyên bố.

Theo một báo cáo chính thức của chính phủ Hà Lan, tính tới trước năm 2011, chỉ có 3-4 lời phàn nàn chính thức mỗi năm về Zwarte Piet. Năm 2011, số phàn nàn tăng lên 113, và tới năm 2012 con số này là 204. Năm 2013, Zwarte Piet đã trở thành chủ đề của nhiều vụ kiện dân sự cũng như nhận được cảnh báo điều tra từ Liên hợp quốc.

Năm 2011, một đoạn video quay cảnh Quinsy Gario, một nghệ sĩ 29 tuổi người Hà Lan bị xịt hơi cay và bắt giữ do mặc áo in dòng chữ "Zwarte Piet là sự phân biệt chủng tộc" đã lan nhanh trên mạng và thu hút sự chú ý của dư luận vào một sự thật đơn giản: Zwarte Piet không hề hài hước chút nào với cộng đồng người da màu ở Hà Lan.

Năm nay, chính phủ Hà Lan đã có một số động thái nhỏ để giải quyết vấn đề này. Tháng 11 năm nay, lần đầu tiên các quan chức thuộc thành phố Gouda đưa các sản phẩm "Phô mai Pete" và "Bánh quế Pete" có màu vàng và nâu ra thị trường nhằm hướng sự chú ý của công chúng khỏi Zwarte Piet. Ở Amsterdam, hình ảnh của Zwarte Piet, mặc dù vẫn có màu da đen nhưng đã được tạo hình bớt hoạt kê hơn.

"Những thay đổi hình ảnh của Piet gần đây theo tôi là rất tốt, vì chúng giúp ngày lễ Sinterklass trở nên dễ hòa nhập hơn với cộng đồng đa văn hóa ở Hà Lan," diễn viên Erik van Muiswinkel cho biết.

Theo quan sát của nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội Chandra Frank, năm nay cảnh sát cũng đã tăng cường giám sát tại các lễ diễu hành cũng như bí mật thực hiện nhiệm vụ gìn giữ an ninh dưới lốt Zwarte Piet. Tuy nhiên những người truyền thống ở Hà Lan vẫn cho rằng bất cứ thay đổi hình ảnh nào của Zwarte Piet đều không thỏa đáng. Theo họ, sự khoan dung và khiêm tốn là một phần của bản sắc Hà Lan, do đó, buộc tội người Hà Lan phân biệt chủng tộc cho thấy người buộc tội không hiểu gì về Hà Lan cả.

"Ở Hà Lan, nếu bạn không thích Zwarte Piet, câu trả lời bạn nhận được sẽ là "về với văn hóa và truyền thống của bạn đi". Nhưng những người Hà Lan có nguồn gốc từ Caribbean hay Suriname đã là một phần của đất nước này trong suốt 400 năm qua."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục