Thắt chặt hầu bao và chi tiêu hợp lý nhất có thể là cách mà người Italy áp dụng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và những dấu hiệu về sự phục hồi vẫn còn rất mong manh.
Đó là kết luận của Hiệp hội quốc gia về hỗ trợ nông nghiệp Italy (Coldiretti) trong một báo cáo về việc khủng hoảng kinh tế đã tác động nghiêm trọng thế nào đối với thói quen mua sắm của người tiêu dùng nước này.
Theo tổ chức này, kể từ 2008, năm mà cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra, cho đến 2013, chi tiêu cho quần áo và giày dép, những thứ mà người Italy thích nhất, đã giảm 16%, trong khi số tiền chi cho việc mua đồ đạc, tài sản cũng giảm 12% và các khoản chi cho đồ ăn giảm 8%.
Các khoản chi khác cho điện, nước, đi ăn tiệm vào ngày cuối tuần, đi nghỉ vào mùa hè hoặc mùa đông cũng như các nhu cầu giải trí khác đều giảm từ 2-5%.
Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi đáng kể cách chi tiêu và cách sống của người Italy. Ngay từ những năm đầu của cuộc khủng hoảng, họ đã giảm số tiền mua sắm đồ hiệu và chuyển sang mua đồ nhái, hoặc đợi các đợt giảm giá.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng được cho là đã "chạm đáy" vào năm 2013, người Italy thậm chí đã cắt giảm cả khẩu phần ăn cũng như các chi tiêu cho việc mua sắm lương thực.
Cá tươi là mặt hàng bị các gia đình Italy cắt giảm nhiều nhất, với mức chi giảm 20%, trong khi chi cho pasta giảm 9%, sữa 8% và dầu oliu 6%. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trứng và bột mì lại tăng 2%.
Coldiretti cho rằng, đó là vì các gia đình Italy bắt đầu làm bánh mì và pasta tại nhà để tránh mua ở siêu thị, nhằm tiết kiệm chi phí.
Năm ngoái, chi tiêu cho việc mua thực phẩm đã giảm 3,1% so với năm 2012, chủ yếu do người tiêu dùng mua các đồ giá hạ, khuyến mại hoặc sắp hết hạn sử dụng được bán với giá rẻ trong các siêu thị.
Việc các đồ ăn giá rẻ kém chất lượng có mặt trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ít tiền bắt đầu khiến nhà chức trách lo ngại. Không ngạc nhiên khi số lượng các vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị phát hiện đã tăng 14% so với năm 2008, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra.
Các thống kê của Coldiretti cho thấy, kể từ sau Thế chiến thứ hai, người Italy mua sắm đồ ăn năm sau nhiều hơn năm trước và giá trị chi tiêu của họ cho lương thực đạt mức kỷ lục vào năm 2006, trước khi liên tục giảm sút từ đó đến nay.
Tuy nhiên, theo Coldiretti, chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2014 có thể tăng nhẹ, sau khi chính phủ áp dụng gói cải cách thuế, cho phép những người có thu nhập đến 24.000 euro không phải đóng 80 euro tiền thuế mỗi tháng từ tháng 5-12/2014./.