Người nhiễm cúm A(H1N1) ở Lào Cai đang hồi phục

Cục Y tế dự phòng cho biết các bệnh nhân dương tính với cúm A(H1N1) ở tỉnh Lào Cai đều đã được điều trị ổn định, sức khỏe phục hồi tốt.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 2/5 đã có thông báo chính thức về tình hình ổ dịch cúm tại Lào Cai. Các bệnh nhân dương tính với cúm A(H1N1) đều đã được điều trị ổn định, sức khỏe phục hồi tốt.

[5 bệnh nhân nhiễm H1N1 ở Lào Cai đang hồi phục]

Ngày 23-24/4,  các bệnh nhân tại một gia đình ở làng Tòng, phường Quang Kim, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai với năm người mắc bệnh, trong đó có một người lớn 31 tuổi và bốn cháu nhỏ 2-7 tuổi), đã được đưa đến khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai.

Trước đó những người này có biểu hiện sốt, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lào Cai tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của năm bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bốn mẫu dương tính với virus cúm A(H1N1). Tuy nhiên, tất cả các ca bệnh đều ở thể nhẹ, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân hiện tại đã được điều trị ổn định.

Ổ dịch thứ hai được phát hiện ở Lào Cao là tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh vào ngày 24/4 với chín học sinh có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, không sốt và đến khám tại phòng y tế của nhà trường, tất cả đều mắc bệnh nhẹ.

Đến ngày 25/4, lại xuất hiện thêm ba học sinh có dấu hiệu hội chứng cúm như sốt, đau đầu, đau mỏi người... Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với nhà trường xử lý ổ dịch, tiến hành lập khu cách ly, điều trị các trường hợp trên.

Đến ngày 30/4 đã ghi nhận 46 trường hợp có biểu hiện bệnh cúm, không có trường hợp bệnh nặng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm, kết quả có ba mẫu dương tính với cúm A(H1N1). Hiện các bệnh nhân này cũng đã được điều trị hồi phục.

Bộ Y tế cho biết qua báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phố, trong ba tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã có trên 300.000 người nhiễm cúm. Trong đó ba trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Yên Bái (hai trường hợp) và Thanh Hóa (một trường hợp).

Kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia, nước ta ghi nhận sự xuất hiện của cúm B và hai phân týp virus cúm A gồm cúm A(H1N1) và cúm A(H3N2). Trong đó, virus cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm.

Trước tình hình tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm A(H1N1) cao trong số bệnh nhân có hội chứng cúm, Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch. Đặc biệt cần theo dõi, phát hiện sớm bệnh nhân nặng để điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Các đơn vị y tế cần lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng virus gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gen của virus.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A(H1N1), Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) nên khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.../.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục