Người nông dân Tây Ninh ''bắt'' đất phèn cho trái ngọt

Phát triển mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá, mới đây là làm thêm nhà nuôi yến, trồng lúa nếp, ông Sáu không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho gần 40 lao động.
Người nông dân Tây Ninh ''bắt'' đất phèn cho trái ngọt ảnh 1Ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ về kỹ thuật trồng dứa trên đất nhiễm phèn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đến xã biên giới Phước Bình (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) hỏi thăm ông Nguyễn Văn Sáu (sinh năm 1969) - người được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022, nhiều người thán phục: Ông Sáu giỏi lắm, đất nhiễm phèn ông vẫn trồng khóm (dứa) thành công, cho trái ngọt, năng suất cao.

Sở hữu 60ha trồng giống dứa Queen kết hợp nuôi cá, hiện gia đình ông Sáu thu lãi mỗi năm hơn 3,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ nông dân Phước Bình có nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp. Trước đây, gia đình ông có 10ha đất canh tác 2 vụ lúa/năm. Do đất bị nhiễm phèn, cây lúa thường phát triển chậm, năng suất thấp, lợi nhuận đạt được không nhiều.

[Giá dứa tăng giúp nông dân vùng Đồng Tháp Mười thu lãi cao]

Trăn trở tìm hướng sản xuất mới, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng, năm 2017, ông Sáu mạnh dạn chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang trồng dứa.

Thời gian đầu do chưa có đê bao, mùa nước nổi khiến cây dứa chết nhiều, cộng thêm kỹ thuật chăm sóc chưa thành thạo khiến ông gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận thấy triển vọng trong hướng phát triển sản xuất của ông, các cấp chính quyền, Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện để ông Sáu đi tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm, làm đê bao chống lũ.

Nhờ vậy, ruộng dứa của gia đình ông Sáu dần sinh trưởng tốt, cho trái ngọt, đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha trong năm đầu tiên.

Người nông dân Tây Ninh ''bắt'' đất phèn cho trái ngọt ảnh 2Mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất phèn của ông Nguyễn Văn Sáu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thấy được hiệu quả kinh tế, ông Sáu cùng gia đình tiếp tục đầu tư, mua 20ha đất và thuê thêm 30ha của các hộ xung quanh để trồng dứa theo mô hình chuyên canh.

Ông còn tận dụng nguồn nước tưới lấy trực tiếp từ sông, trong mùa nước nổi kết hợp dẫn dụ cá tự nhiên về trong ruộng dứa, tạo thành mô hình nuôi-trồng khép kín, hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết để cung ứng sản phẩm ra thị trường và cho nhà máy chế biến đảm bảo chất lượng, ông luôn tuân theo quy trình sản xuất VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Ngoài ra, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, ông nhận thấy để cây dứa cho năng suất cao, chất lượng quả tốt lại tiết kiệm chi phí sản xuất, sau 4 năm trồng, chăm sóc mới cần thay gốc mới, thay vì trước đây sau 2 năm thu hoạch đã phải bỏ gốc.

Phát triển mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá, mới đây là làm thêm nhà nuôi yến, trồng lúa nếp, ông Sáu không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho gần 40 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

Ấp ủ nhiều dự định mới trong phát triển sản xuất, người nông dân “bắt” đất phèn cho trái ngọt này cho biết: "Làm nông nghiệp rủi ro rất cao. Trước đây ai cũng nói tôi liều nhưng tôi liều “có cơ sở,” tức là phải hiểu về thị trường (đầu ra cho sản phẩm), hiểu về đặc tính cây trồng, yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng thì mới có thể thành công."

Ông Nguyễn Văn Sáu cùng một số hội viên nông dân xã Phước Bình dự kiến sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp để phát triển sản xuất theo hướng liên kết, tích hợp đa giá trị, phù hợp định hướng xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững trong giai đoạn mới.

Ông sẽ trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu, trồng thêm cây ăn quả, tiến tới kết hợp vừa sản xuất nông nghiệp vừa phát triển du lịch sinh thái ở địa phương.

Người nông dân Tây Ninh ''bắt'' đất phèn cho trái ngọt ảnh 3Bọc quả giúp cho dứa sinh trưởng tốt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình Phan Thiện Khâm khẳng định ông Nguyễn Văn Sáu là hội viên nông dân xuất sắc ở địa phương.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông luôn tích cực ủng hộ, đóng góp về vật chất và tinh thần để cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương, Hội Nông dân tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực như "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh," "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"...

Thực hiện phong trào nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới, ông Sáu còn sửa chữa, làm 8km đường nông thôn, hỗ trợ đất và nhà ở cho 11 hộ, ủng hộ chương trình “Thắp sáng đường quê,” góp phần mang điện đến 20 hộ dân ở vùng sâu của xã.

Ngoài ra, ông hỗ trợ khoảng 50 hội viên nông dân vốn kinh doanh, tư vấn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới như ông Nguyễn Văn Sáu đang góp phần xây dựng nông thôn Tây Ninh thực sự trở thành những miền quê ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục