Người sưu tập hàng nghìn hiện vật đồ đồng, đồ sứ

Bộ sưu tập hàng nghìn đồ sứ, đồ đồng khiến ngôi nhà của anh Sáu Khánh trở thành điểm tham quan hấp dẫn với du khách.
Gần bốn mươi năm sưu tầm đồ cổ, anh Trần Công Khánh (thường gọi là Sáu Khánh), sinh năm 1955, ngụ xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre đang có trong tay hàng nghìn hiện vật đồ sứ, đồ đồng thuộc nhiều niên đại khác nhau.

Bộ sưu tập độc đáo này khiến ngôi nhà nhỏ nằm dưới tán dừa của anh trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài.

Trong căn nhà ba gian rộng hơn 90m2, anh Sáu Khánh sắp xếp ngăn nắp các hiện vật. Anh cho biết sưu tập đồ gốm, đồ đồng của anh chủ yếu từ thế kỉ XIX trở về trước và nguồn gốc chủ yếu là của Việt Nam và Trung Quốc.

Anh chia sẻ: “Lý do tôi thích sưu tầm đồ cổ vì đây là truyền thống gia đình đã 4 đời nay. Ngày xưa ông bà sưu tầm được rất nhiều đồ quý hiếm nhưng chiến tranh, loạn lạc nên thất lạc hết cả. Nhiều lần tôi thấy bà nội khóc nức nở khi một món đồ quý bị vỡ hoặc bị mất trộm nên tôi tự dặn lòng lớn lên sẽ sưu tầm trở lại.”

Cũng theo anh, ngoài truyền thống gia đình, điều giúp anh chưa bao giờ thấy chán với nghề này là lòng đam mê. “Tôi chưa có đam mê nào lớn như sưu tầm đồ gốm sứ, đồ đồng... Nhiều khi không mua được thứ gì đó vì không có đủ tiền hoặc người ta không chịu bán là mình mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền,” anh Sáu Khánh nói.

Anh Sáu Khánh cho biết, hiện nay đã sưu tầm được nhiều đồ cổ, dù con số cụ thể không thể đếm hết nhưng anh ước tính khoảng chục nghìn hiện vật. Tất cả đều được anh sắp xếp ngăn nắp, trật tự theo “trí nhớ.” “Hồi nhỏ xíu thấy ông bà bài trí, sắp xếp sao thì giờ mình làm vậy chứ không theo niên đại hay chủ đề nào hết,” anh cho biết.

Trong “gia tài” của anh Sáu Khánh, có nhiều hiện vật gốm sứ, ly tách, bình hoa, chén bát thời nhà Nguyễn, vốn theo chân những người dân đi khai khẩn phương Nam; nhiều hiện vật gắn liền với đời sống người dân Nam Bộ từ ngày mở cõi cách đây 300 năm. Cũng có những bình hoa từ thời nhà Minh, nhà Thanh (Trung Quốc) và nhiều hiện vật xuất xứ từ Triều Tiên, Nhật Bản.

Từ năm 2009 đến nay, sau khi cầu Rạch Miễu được khánh thành và khách du lịch đến Bến Tre nhiều hơn, ngôi nhà nhỏ của anh Sáu Khánh đã trở thành một điểm tham quan lý thú đối với du khách.

Nhiều du khách Pháp cảm thấy rất thích́ thú với những chiếc đèn cổ mà anh sưu tầm và treo trang trọng trong nhà. Những chi tiết tinh xảo trên đồ gốm sứ cổ, đồ đồng cũng thu hút sự tò mò từ khách du lịch.

Anh Sáu Khánh cho biết: Từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là mùa cao điểm của khách du lịch đến tham quan, khoảng thời gian này, ngày nào anh Sáu Khánh cũng bận rộn tiếp khách, làm hướng dẫn viên, kể chuyện cho họ nghe. Anh cảm thấy rất vui vì được nói về truyền thống gia đình mình cũng như giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa, tín ngưỡng dân tộc cho du khách nước ngoài.

Anh Sáu Khánh mong muốn được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn bộ sưu tập độc đáo mà anh đã dành gần như cả đời để thu gom, nâng niu. Với anh, mỗi hiện vật đều gắn với một kỉ niệm và là nơi anh lưu giữ một phần tâm hồn mình./.


Hưng Thịnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục