Xin chào! Xin ch..ào!
Đang dạo bước tại một siêu thị lớn tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, tôi bỗng dừng chân bởi âm thanh dường như rất đỗi quen thuộc. Thấy tôi dừng lại, nhân viên nhà hàng nói lại một lần nữa: “Xin chào…o.”
Nhìn lên biển hiệu tôi nhận ra dòng chữ Ăn Việt. Nhà hàng Việt Nam chăng? Cảm giác vui thích bỗng dâng lên trong lòng, tôi lập tức làm quen với cô chủ nhỏ - Caren Poon.
Sự yêu thích ẩm thực Việt đến với cô sinh viên Caren Poon từ khi được nếm bát phở bò nóng hổi trên đất Canada trong tiết trời mùa Đông lạnh giá, ngay lập tức cô đã bị hút hồn bởi loại nước dùng vô cùng đặc biệt của món ăn này. Ngọt mà lại rất thơm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Mấy cọng rau thơm hăng hắc, một chút hành lá thái nhỏ cùng với những cọng giá đỗ giòn giòn hòa quyện vào nước dùng - cô chia sẻ với giọng nói đầy phấn khích - điều đó khiến cô sinh viên người Malaysia thủa nào ấp ủ kế hoạch tìm đến quê hương của phở, đó là Hà Nội, đó là Việt Nam.
Vốn là sinh viên theo học chuyên ngành Kinh tế-Tài chính, sống tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, song cơ duyên đưa cô đến với ẩm thực Việt thật bất ngờ.
Kế hoạch ấp ủ đến với ẩm thực Việt của cô ngày nào dường như được chắp thêm đôi cánh khi gia đình chồng của cô sở hữu nhà hàng Trung Hoa. Hàng ngày tiếp xúc với thức ăn, với mùi vị, với khách hàng càng khiến cô nung nấu ý định đến Việt Nam một chuyến để thưởng thức món ăn do chính người Việt nấu, và cũng là dịp chiêm nghiệm lại bát phở được ăn lần đầu tiên ấy.
Đến một lần chưa đủ, đến thêm lần nữa, rồi lần nữa, lúc là miền Bắc, lúc là miền Trung và đến miền Nam. Cô rất ngạc nhiên khi mà nơi đâu, bất kể vùng miền nào, người Việt Nam cũng có món ăn ngon đến vậy.
[Nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam được giới thiệu tại Lào]
Người Việt có thể kết hợp tài tình giữa đạm với nhiều loại rau xanh khiến món ăn không bị ngán và công thức của sự kết hợp đó đã khiến cô thích thú và quyết đi tìm bằng được.
Đứng trò chuyện với phóng viên TTXVN để nhường bàn cho khách hàng, cô Caren vui vẻ chia sẻ, ở bất cứ nơi nào của Việt Nam, cô cũng bị hấp dẫn bởi những món ăn nơi đây. Miền Bắc có phở, có chả cá Lã vọng, có bún chả, miền Trung có bún bò Huế, miền Nam có bánh xèo…
Cô đã đăng ký học nấu ăn món Việt tại nhà hàng KOTO - trung tâm hướng nghiệp dành cho những người muốn khởi nghiệp. Tại đây cô được làm việc với các đầu bếp của Việt Nam, học về các món ăn Việt và công thức để chế biến của nó. Tuy nhiên, khi quay lại Malaysia, cô đã phải tìm tòi, điều chỉnh sao cho giữ được nhiều nhất hương vị của món ăn Việt nhưng người Malaysia vẫn đón nhận và cảm thấy hợp khẩu vị.
Để làm được điều này, cô đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của các đầu bếp Việt Nam. Ánh mắt của Caren sáng lấp lánh khi tả về tương ớt của Việt Nam. Cô nói: “Chỉ là ớt thôi nhưng mỗi món ăn Việt lại có một loại ớt ăn cùng khác nhau. Tương ớt ăn phở khác với tương ớt ăn gỏi cuốn, khác với tương ớt của Bún bò Huế….Thật là thú vị,” cô dường như reo lên.
Trong khi chờ đợi nhà hàng chuẩn bị món ăn, chị Lin Ye Shan, người Đài Loan, và anh Nicholas Cheah, người Malaysia, đã nói với tôi: "Chúng tôi rất thích món chả cá Hà Nội. Cá, hành và thì là được để trên chiếc chảo nhỏ, được hâm nóng, ăn cùng với bún. Khi ăn rưới nước chấm lên trên cùng với một ít lạc. Loại nước chấm này rất đặc biệt, nó được làm từ cá tươi nên rất thơm ngon.
Đây là cách chế biến cá rất khác biệt, không giống ở nơi nào và chúng tôi thích hương vị của món ăn này. Tôi rất thích món ăn Việt tại đây. Từ khi du học ở Mỹ tôi cũng thường tìm đến nhà hàng Việt Nam."
Ở một góc bàn bên ngoài, hai thực khách khác người Malaysia đang say sưa chụp ảnh bát phở bò được trang trí khá đẹp mắt. Cô Jennifer Khoo thích thú nói với tôi, cô rất thích phở bò, nước dùng của món ăn này thực sự tuyệt vời, thơm và béo ngậy. Thịt bò mềm, vừa chín tới.
Cô T.Y Ooi gọi món bún chả, khi suất bún vừa được mang ra, cô reo lên: “Tôi rất thích bún chả, sợi bún ở đây rất khác lạ, mềm và dẻo. Thịt nướng thơm vô cùng và tôi thích nước chấm của nó. Ở Malaysia không có loại nước chấm như thế này, nó tuyệt lắm, không quá cay, không quá chua và không bị ngọt. Chúng tôi đã đến Việt Nam hai lần và tôi rất thích ăn các món ăn Việt, do vậy tôi đến Ăn Việt thường xuyên, tuần nào tôi cũng đến.”
Bát phở mà cô Jennifer Khoo gọi có lẽ là bát phở, theo như cô chủ nhỏ chia sẻ, đã được điều chỉnh theo khẩu vị của người Malaysia, khi được thêm vào những viên thịt bên cạnh những miếng thịt bò tái.
Dường như để thu hút thị hiếu của khách hàng, cô chủ nhỏ còn có một cốc giá đỗ để bên cạnh và được trang trí thêm vài cọng rau thơm. Bát phở bò có giá từ 20-25 ringgit (120.000-150.000 VND), ngoài ra thực khách sẽ được tặng thêm một miếng gỏi tôm cuốn như một cách khéo léo để giới thiệu thêm thực đơn với khách hàng mà giá không thay đổi.
Chia sẻ bí quết làm nên sự thành công của Ăn Việt, cô Caren cho rằng, để có được món ăn giữ đúng hương vị Việt, phải chọn đúng được nguyên liệu của nó. Chúng tôi đã đặt trực tiếp từ Việt Nam từ bánh đa nem cho đến nước mắm, bún khô và cả càphê nữa.
Đam mê món ăn Việt, sau 5 năm khởi nghiệp, đến giờ cô Caren đã có 5 cửa hàng Ăn Việt, 4 cửa hàng tại thủ đô Kuala Lumpur và một cửa hàng ở Penang - điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia.
Quản lý 70 nhân viên và bận bịu suốt ngày, song cô Caren vẫn dành thời gian để học tiếng Việt. Cô nói rất rõ ràng từng món ăn, và giới thiệu với thực khách rất cụ thể về thành phần của nó.
Nằm trong một đại siêu thị lớn ở thủ đô Kuala Lumpur, có thể nói, Ăn Việt rất đông khách, bất kể giờ nào trong ngày, khách vui vẻ đứng xếp hàng và được hướng dẫn đón chào nhiệt tình với câu chào ấm áp: “Xin chào.”
Bạn có thể tìm thấy ở đây những món ăn quen thuộc của người Việt như bánh mỳ thịt nướng, bún chả, bún bò Huế và Chả cá, thịt bò sốt vang…. Đồ uống có trà chanh, càphê trứng, trà atiso…quen mà lạ, lạ mà quen. Quen bởi hương vị của ẩm thực Việt, lạ ở chỗ có thêm những hương liệu mạnh hơn như mùi sả, gừng, hoa hồi, quế…vốn được người bản địa ưa thích.
Có lẽ với năng khiếu làm bếp bẩm sinh cũng như chịu khó tìm tòi và học hỏi, Caren đã tạo được chỗ đứng riêng trong làng ẩm thực ở Kuala Lumpur.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, cô Caren tiết lộ, khi dịch COVID-19 qua đi, cô sẽ mở thêm vài nhà hàng Ăn Việt nữa và cô sẽ lại đến Việt Nam để tìm công thức cho những món ăn mới. Chúc cho ước mơ của cô chủ nhỏ thành hiện thực, chúc cho ẩm thực Việt được mang đi thật xa để đến với bạn bè quốc tế ở khắp năm châu.
Tạm biệt Caren sau khi thưởng thức tách càphê trứng nóng hổi, bỗng dưng tôi ngân nga câu hát “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi. Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời”./.