Người tiêu dùng TP.HCM gửi trọn niềm tin vào thực phẩm "sạch"

Ám ảnh vì thực phẩm "bẩn," nhiều người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi và tích cực hưởng ứng tiêu dùng sản phẩm "sạch" để đảm bảo sức khỏe.
Người tiêu dùng TP.HCM gửi trọn niềm tin vào thực phẩm "sạch" ảnh 1Một vùng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. (Nguồn: TTXVN)

Qua quá trình kiên trì tổ chức sản xuất và thử nghiệm phân phối các sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn cũng như những mặt hàng đạt chuẩn VietGap, Globalgap, HACCP... hiện nay, các sản phẩm này đã được đưa ra thị trường kinh doanh phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều người tiêu dùng thành phố cho biết họ rất phấn khởi và tích cực hưởng ứng tiêu dùng sản phẩm "sạch" để đảm bảo sức khỏe.


Ưu tiên mua sắm hàng chất lượng

Mặc dù cách chợ Hòa Bình gần 4km trong khi gần nhà vẫn có các cửa hàng thực phẩm lớn, nhưng chị Thủy (đường Lê Đại Hành, quận 11) hàng tuần vẫn ghé chợ Hòa Bình (quận 5) để mua thịt lợn “sạch.”

Với kinh nghiệm nội trợ nhiều năm, chị Thủy cho biết thịt lợn mua ở quầy hàng VietGap chợ Hòa Bình có mức giá tương đương với các quầy thịt khác. Đáng chú ý, thịt lợn này khi nấu không bị ra nhiều nước, thịt thơm, không có mùi hôi của hóa chất, kháng sinh.

Quan trọng hơn, nơi này bán thịt lợn đạt chứng nhận VietGap đã được công bố trên báo chí khiến chị yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.

Tương tự, anh Phạm Đình Duy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ trước đây, gia đình rất vất vả khi phải tự trồng rau, củ "sạch" để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Đồng thời, việc trồng trọt tại gia đình trong điều kiện "đất chật người đông" rất khó khăn, số lượng hạn chế và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Tuy nhiên, từ khi các mặt hàng thực phẩm "sạch" được đưa vào kinh doanh phổ biến tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống thì gia đình đã giảm bớt nỗi lo về thực phẩm "bẩn."

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy các đơn vị bán lẻ đang kinh doanh hàng nghìn mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân như gạo, đường, bột ngọt, đồ hộp, bánh kẹo, thực phẩm chế biến... đạt chứng nhận ISO, HACCP, GMP.

Đặc biệt, có hàng trăm mặt hàng rau, củ, quả, thịt gà và trứng gà đạt tiêu chuẩn Vietgap đang được kinh doanh từ nhiều năm nay và đang được tiếp tục đẩy mạnh trong dịp Tết năm nay.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra và Coop Food, khu vực kinh doanh sản phẩm VietGap luôn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Sau thời gian được tung ra thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, hiện tại một số mặt hàng thuộc nhóm rau củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGap đã đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 2,5 lần.

Dự đoán, sức mua hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn do Saigon Co.op đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm sạch trong dịp Tết năm nay sẽ vượt 95.000 tấn.

Hỗ trợ nhận biết và tiêu dùng

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm rộng lớn mà còn là đầu mối chế biến, kinh doanh, cung cấp nông sản, thực phẩm cho các tỉnh và xuất khẩu, đồng thời là nơi tiếp nhận khối lượng lớn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và sự tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn, chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn,” thí điểm mô hình Chợ an toàn thực phẩm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố cũng đang khuyến khích sở, ngành các địa phương tìm kiếm, giới thiệu những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGap, Globalgap, HACCP... vào hệ thống phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng TP.HCM gửi trọn niềm tin vào thực phẩm "sạch" ảnh 2Kiểm tra hàng hóa dịp Tết. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ An Hạ, để xây dựng thương hiệu thịt lợn ViepGap và đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất kinh doanh đã không ngừng nỗ lực trong những năm qua. Riêng đối với Công ty An Hạ, chỉ sau vài ngày đưa quầy hàng vào hoạt động, công ty đã gặp phải sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và minh bạch trên thị trường. Công tác tuyên truyền và thông tin về sản phẩm "thịt sạch", tiêu chuẩn sản xuất VietGap... cũng gặp nhiều thách thức.

Hiện tại, với 221 điểm bán thịt lợn VietGap, sản lượng giết mổ lợn VietGap của Công ty Kỹ nghệ súc sản một thành viên Vissan đạt khoảng 450-500 con/ngày. Tổng lượng thịt lợn VietGap mà Công ty Vissan cung ứng ra thị trường trung bình đạt 35-40 tấn/ngày, chiếm 50% tổng sản lượng thị lợn Vissan kinh doanh trên thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 9 doanh nghiệp, công bố 384 điểm bán tham gia Chuỗi an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, những mặt hàng được cấp chứng nhận Chuỗi thực phẩm an toàn đang kinh doanh phổ biến tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống là rau củ, quả của các Hợp tác xã Phước An, Phú Lộc, Thảo Nguyên, Anh Đào; thịt gia súc của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty An Hạ; thịt gia cầm của Công ty Phạm Tôn; trứng gia cầm của công ty Ba Huân, Adeco.../.

Thực phẩm “bẩn” ở Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗi ám ảnh dịp Tết

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục