Nguy cơ 'Chiến tranh Lạnh mới' và thế giới chia làm hai phần

Việc Mỹ và Trung Quốc không chịu nhượng bộ lẫn nhau dần dần sẽ chia thế giới thành hai phe sử dụng công nghệ khác nhau, có quy tắc vận hành và quan niệm giá trị khác nhau.
Nguy cơ 'Chiến tranh Lạnh mới' và thế giới chia làm hai phần ảnh 1(Nguồn: News.sky.com)

Trong nỗ lực làm dịu đi cáo buộc từ phía Mỹ về khả năng công ty tiềm ẩn rủi ro với an toàn thông tin, hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Huawei đã lên kế hoạch bán 51% cổ phần tại Global Marine Systems - công ty cáp dưới đáy đại dương lớn thứ tư thế giới.

Dẫu vậy, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong lĩnh vực mạng 5G vẫn không hề suy giảm. Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ở Đông Nam Á, Trung Á, châu Âu và châu Phi, chống lại sức ép từ phía Mỹ.

Theo tờ Tin tức Thế giới ngày 6/5, việc Mỹ và Trung Quốc không chịu nhượng bộ lẫn nhau dần dần sẽ chia thế giới thành hai phe sử dụng công nghệ khác nhau, có quy tắc vận hành và quan niệm giá trị khác nhau.

Tình hình giống như sắp xảy ra "Chiến tranh Lạnh mới" và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trái Đất bị chia cắt thành hai thế giới khác nhau. Mỹ và châu Âu tuy vượt xa về công nghệ nhưng cũng khó thống trị thế giới, còn Trung Quốc sẽ trở thành "chim đầu đàn" trong khu vực của mình.

Vài năm trước, trong giới học giả nghiên cứu chiến lược quốc tế từng xuất hiện khái niệm G2, nghĩa là Mỹ và Trung Quốc hình thành "Nhóm 2 cường quốc" cùng quyết định các vấn đề thế giới. Khái niệm này có lẽ bao gồm mong muốn hai cường quốc lớn nhất thế giới đứng ở vị trí bình đẳng, chi phối thế giới như "Giấc mộng Trung Hoa" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Năm 2006, chuyên gia lịch sử tiền tệ Neil Ferguson đã sáng tạo từ mới: Chimerica. Nói một cách đơn giản, Mỹ tiếp tục giữ vai trò thống trị tài chính toàn cầu, còn Trung Quốc duy trì vị thế là quốc gia chế tạo lớn nhất thế giới, hai nước cùng thiết lập lại trật tự thế giới và mang lại sức sống mới cho toàn cầu. Khái niệm này tương tự như G2. Về mặt chính thức, Bắc Kinh luôn phủ nhận mong muốn trên, nhưng đó có thể là giấc mơ của Tập Cận Bình và người Trung Quốc.

Hơn 30 năm qua, cả phe cầm quyền lẫn lực lượng đối lập ở Mỹ đều hỗ trợ sự phát triển của Trung Quốc, đưa quốc gia đông dân nhất thế giới vào hệ thống và trật tự quốc tế do phương Tây thiết lập, chấp nhận các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và nhân quyền.

Nhưng sự trỗi dậy và phát triển của Trung Quốc hiện nay khiến người Mỹ thất vọng, giống như Michael Pillsbury, tác giả cuốn "Cuộc đua Marathon trăm năm," đã mô tả: Trung Quốc chơi trò ru ngủ chiến lược, thúc đẩy quyền bá chủ toàn cầu thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, cuối cùng đã đánh thức nước Mỹ.

Chính quyền Trump đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại, mở rộng sang lĩnh vực khoa học công nghệ, cấm cửa Huawei. Trung Quốc cũng đã thay đổi thái độ, chuyển sang phản kháng, giọng điệu tuyên truyền chống Mỹ không ngừng gia tăng. Hành động của các bên cho thấy "thế giới chia rẽ" đang nhanh chóng hình thành.

Đầu năm 2010, Trung Quốc liên tục kiểm duyệt và phong tỏa Google tại thị trường Trung Quốc. Khi đó, Eric Emerson Schmidt - một trong những người sáng lập Google - dự đoán Internet sẽ hình thành hai thế giới trong tương lai: một thế giới tự do và một thế giới bị hạn chế bởi sự quản lý chuyên chế. Giờ đây, không những dự đoán đó đã thành sự thật mà còn lây lan sang các lĩnh vực khác. Trung Quốc tuyên bố tự mình nghiên cứu phát triển, tự lực cánh sinh từ con chíp, phần mềm tới các linh kiện then chốt.

[Những phương cách phá vỡ thế bế tắc thương mại Mỹ-Trung]

Không rõ Trung Quốc có làm nổi không, nhưng với việc hai bên hình thành hai bộ tiêu chuẩn, cạnh tranh mở rộng sang cả lĩnh vực công nghệ, văn hóa và chính trị, và tình hình có chiều hướng tiếp tục xấu đi, xem ra "Chiến tranh Lạnh mới" đã gần tới và thế giới thực sự đối mặt với nguy cơ chia thành hai phần.

Thứ nhất, Mỹ cấm Huawei và kêu gọi các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei. Trung Quốc tin rằng công nghệ 5G của Huawei đang dẫn đầu thế giới và Mỹ không thể đánh bại Huawei nên mới tìm cách phong tỏa.

Nhưng từ con chip điện thoại cầm tay, con chíp sử dụng trong thiết bị 5G hay phần mềm, Huawei đều lệ thuộc nghiêm trọng vào nguồn cung từ Mỹ, cho nên việc nói Mỹ không thắng được Huawei về công nghệ khó có tính thuyết phục. Mỹ lấy lý do an ninh quốc gia để phong tỏa Huawei, nhưng nguyên nhân đằng sau có thể liên quan tới "chủ quyền số" tiêu chuẩn thế giới về Internet thế hệ mới và mối lợi kinh tế hàng nghìn tỷ USD.

Vấn đề là bất chấp sự ngăn cản của Mỹ, Huawei đã ký được 42 hợp đồng phát triển mạng 5G ở Anh, Đức và các nước châu Âu khác. Do đó, thế giới tương lai sẽ bị chia thành hai phần: Phần sử dụng thiết bị 5G của Huawei và phần không sử dụng thiết bị này. Nhưng do mạng Internet kết nối toàn cầu được cấu thành bởi cáp ngầm dưới biển, vệ tinh nhân tạo, cáp quang…, cho nên các chuyên gia viễn thông và tình báo thẳng thắn thừa nhận trong tương lai, Huawei và các công ty Trung Quốc khác có thể kiểm soát 40% đến 60% mạng Internet của thế giới.

Sue Gordon, Phó giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cho rằng trong tương lai Washington sẽ phải đối mặt với hai thế giới, trong đó có một thế giới không chấp nhận bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn của Mỹ.

Thứ hai, trên thực tế, Trung Quốc đã thiết lập một "bức tường thành Internet", từ lâu đã chia Trung Quốc đại lục và thế giới bên ngoài thành hai thế giới.

Một số ý kiến mô tả mạng Trung Quốc là "mạng cục bộ" và chỉ chấp nhận các trang web và tin nhắn mà chính quyền cho phép công chúng gửi và nhận. Google, Facebook, Twitter, YouTube, Reddit, Instagram, WhatsApp và Wikipedia đều bị chặn ở Trung Quốc, ngược lại Huawei, Baidu, Taobao, Tencent… sẽ vô giá trị khi ở bên ngoài Trung Quốc đại lục. Internet toàn cầu trong tương lai khó phân biệt "địch-ta," các công nghệ về bảo mật và đánh cắp qua mạng ngày càng quan trọng.

Thứ ba, không chỉ mạng 5G, việc Mỹ bắt tay với EU, Anh, Nhật Bản phong tỏa các công nghệ cao khác với Trung Quốc có thể còn kéo dài. Nếu phía Trung Quốc không thể vượt qua, chắc chắn sẽ tạo thành hai thế giới với các thông số kỹ thuật và trình độ kỹ thuật khác nhau. Sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc có thể bị đình trệ, nhưng Trung Quốc cũng có thể tự nghiên cứu phát triển, sau đó vượt qua châu Âu và Mỹ, vẽ lại bản đồ khoa học-công nghệ của thế giới. Nhìn thực tế, Trung Quốc dần dần bị bao vây bởi "Bức tường Berlin mới" và hậu quả sẽ nguy hiểm khủng khiếp.

Thứ tư, việc thế giới cảnh giác, chối bỏ hoặc hoan nghênh Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), chấp nhận hoặc từ chối vốn cùng quy tắc vận hành của Trung Quốc cũng đang hình thành hai phe. Chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ khiến dòng vốn quốc tế và ngành chế tạo bắt đầu chuyển dịch, ông Trump nhấn mạnh rằng thị trường Trung Quốc nhanh chóng sụp đổ. Nếu tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng sẽ kích thích doanh nghiệp nước ngoài và dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc và nước này sẽ tạm biệt thời kỳ huy hoàng của thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục