Nguy cơ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị "phong tỏa"

Trong khi Mỹ khẳng định sẽ đình chỉ hoàn toàn việc triển khai đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, Đức chỉ cho biết sẽ không loại trừ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án này.
Nguy cơ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị "phong tỏa" ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 21/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng bbc.com/foxnews.com, Mỹ và các đồng minh phương Tây tuyên bố sẽ nhắm đến nền kinh tế Nga nếu quốc gia này xâm lược nước láng giềng Ukraine.

Những bình luận mới nhất đều cho thấy lập trường cứng rắn của phương Tây đối với đường ống vốn được xem là có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho Moskva: Dòng chảy phương Bắc 2.

Sự hiện diện của hàng chục nghìn binh sỹ Nga được tăng cường ở biên giới Ukraine trong những tuần gần đây đã gây ra nhiều căng thẳng và làm leo thang lo ngại về nguy cơ xâm lược.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với NPR: “Tôi muốn nói rất rõ ràng rằng nếu Nga xâm lược Ukraine bằng cách này hay cách khác, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không thể triển khai.”

Tuy nhiên quan chức này cho biết “sẽ không đi vào chi tiết cụ thể” về việc dự án này sẽ bị đình chỉ như thế nào và liệu Mỹ có quyền hủy bỏ dự án hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định “sẽ làm việc với Đức để đảm bảo nước này không tiếp tục dự án.”

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách chính trị Victoria Nuland trao đổi với báo giới: “Chúng tôi tiếp tục có những trao đổi rõ ràng và mạnh mẽ với các đồng minh Đức… Nếu Nga xâm lược Ukraine, bằng cách này hay cách khác, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị đình chỉ.”

Những bình luận này lặp lại các tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Antony Blinken hồi đầu tuần này, tuy nhiên báo giới cho rằng Mỹ khó có thể hiện thực hóa lời đe dọa này do đường ống đã hoàn thiện về mặt vật lý.

[Đức tiết lộ lý do khiến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị trì hoãn]

Đáp lại, Thứ trưởng Nuland nói: “Đường ống chưa sẵn sàng vận hành. Chưa được thử nghiệm, chưa được chứng nhận, chưa đáp ứng các quy định pháp lý cho phép vận hành ở cả phía Đức và EU.”

Trong khi Mỹ khẳng định sẽ đình chỉ hoàn toàn việc triển khai đường ống, Đức chỉ cho biết sẽ không loại trừ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án này.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố trước Quốc hội rằng các đồng minh phương Tây đang “triển khai gói trừng phạt mạnh mẽ” trên nhiều phương diện, bao gồm “cả Dòng chảy phương Bắc 2.”

Tuy nhiên, bà Baerbock cho biết Berlin vẫn muốn “tiếp tục đối thoại” với Moskva. Bình luận của nhà ngoại giao Đức được đưa ra sau khi Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber viết trên trang Twitter cá nhân rằng “không loại trừ bất kỳ điều gì, kể cả Dòng chảy phương Bắc 2” nếu Nga vi phạm “chủ quyền của Ukraine.”

Dự án năng lượng Dòng chảy phương Bắc 2 là hệ thống chạy dưới Biển Baltic, được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Đức. Đường ống dẫn khí đốt dài 1.225km (760 dặm) mất 5 năm để xây dựng và tiêu tốn tới 11 tỷ USD (8 tỷ bảng Anh).

Tuy nhiên, tháng 11/2021 giới chức cho biết đường ống chưa đáp ứng các quy định luật pháp của Đức và vì vậy đã đình chỉ việc phê duyệt hoàn công.
Các doanh nghiệp lớn của châu Âu đã đầu tư rất nhiều vào Dòng chảy phương Bắc 2, dự án được cựu Thủ tướng Gerhard Schröder điều hành.

Tuy nhiên, nhiều nhóm lại phản đối kế hoạch này. Các nhà môi trường đặt câu hỏi làm thế nào Dòng chảy phương Bắc 2 có thể phù hợp với những nỗ lực của Đức nhằm cắt giảm khí thải và đối phó với biến đổi khí hậu, trong khi các chính trị gia trong và ngoài nước lo ngại đường ống này có thể làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây từng mô tả Dòng chảy phương Bắc 2 là một "vũ khí địa chính trị nguy hiểm."

Trong nhiều năm, chính phủ Đức giữ quan điểm chính thức về Dòng chảy phương Bắc 2 như một dự án kinh doanh phi chính trị tư nhân. Bất chấp áp lực lớn của Mỹ, trong đó có cả các đe dọa trừng phạt đối với doanh nghiệp châu Âu tham gia vào dự án, Berlin vẫn không lùi bước. Một số ý kiến thậm chí còn cáo buộc Washington can thiệp chính sách năng lượng độc lập của Đức.

Mọi việc đã thay đổi vào tuần trước khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản hồi câu hỏi rằng liệu Dòng chảy phương Bắc 2 có trở thành “công cụ” để đáp trả hành vi xâm lược của Nga hay không, nhấn mạnh “tất cả sẽ được đưa ra thảo luận nếu xảy ra can thiệp quân sự nhằm vào Ukraine.”

Những phát biểu này nghe có vẻ không gay gắt, song với thiệt hại dự kiến sẽ rất lớn nếu dự án bị hủy bỏ, đây có thể là một mối đe dọa lớn.

Dòng chảy phương Bắc 2 vốn gây ra không ít tranh cãi trên chính trường Đức. Đảng Xanh nói riêng luôn phản đối dự án này, một phần vì lý do môi trường, trong khi Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả lâu nay vẫn ủng hộ do cho rằng dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Đức.

Thực tế việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine đã đem đến điều mà sức ép của Mỹ suốt nhiều năm qua chưa từng làm được: khiến người Đức phải suy nghĩ lại về Dòng chảy phương Bắc 2.

Những đe dọa về Dòng chảy phương Bắc 2 được đưa ra sau nhiều diễn biến ngoại giao. Mỹ bác bỏ yêu cầu quan trọng của Nga về việc cấm Ukraine gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời đề xuất điều mà Mỹ cho là “con đường ngoại giao nghiêm túc về phía trước” cho Moskva.

Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đang đánh giá các đề xuất này. Chi tiết cụ thể không được công khai, song Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tài liệu đã nêu rõ “các nguyên tắc cốt lõi”của họ, bao gồm chủ quyền của Ukraine và quyền lựa chọn trở thành một phần của các liên minh an ninh như NATO.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin cần thời gian để cân nhắc các đề xuất. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng phản ứng chính thức của phương Tây không giải quyết "mối quan tâm chính" của Nga về việc NATO mở rộng, dù thừa nhận điều này “mang lại hy vọng cho việc khởi động thảo luận nghiêm túc.”

Các nhà ngoại giao từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức trong khi đó vẫn tái khẳng định cam kết với thỏa thuận ngừng bắn lâu năm tại Ukraine. Thứ trưởng Nuland nhấn mạnh: “Nhìn vào những gì đang diễn ra, tất cả mọi chuyện phụ thuộc vào quyết định của Nga”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục